Sữa Thế giới
Phô mai Pháp ‘tan chảy’ vì dịch, 5.000 tấn có nguy cơ đổ bỏ
Cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle từng “băn khoăn” làm thế nào ai đó có thể cai quản được một đất nước có tới 258 loại phô mai. Lúc này thì nhiệm vụ đó còn khó khăn hơn nhiều khi các nhà sản xuất phô mai hàng đầu Pháp đang “khóc ròng” cầu cứu Brussels vì cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tờ Politico cho biết, các nhà sản xuất phô mai Pháp đang cảnh báo rằng việc các nhà hàng đóng cửa hàng loạt và sụt giảm thương mại quốc tế đã khiến doanh số phô mai từ các vùng nổi tiếng của Pháp, từ Camembert đến Roquefort, đang lao dốc tới 60%.
Tình trạng này có thể dẫn đến 5.000 tấn phomai ế sẽ phải đổ bỏ, theo ông Michel Lacoste, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Xuất xứ sữa (CNAOL)- một nhóm gồm các nhà sản xuất ra 45 loại phô mai Pháp.
Các nhà sản xuất phô mai lúc này đang tuyệt vọng tìm kiếm các giải pháp, từ tiêu hủy hàng tấn hàng loại thượng hạng cho đến điều chỉnh các quy tắc nghiêm ngặt thường được đòi hỏi để đạt được một nhãn hiệu phô mai dành cho những người sành ăn.
“Nhiều nhà sản xuất đang chứng kiến giá hạ thảm khốc”, ông Lacoste nói. “Hôm nay, đó là chuyện 1.000 loại phô mai Pháp đang bị đe dọa”, ông Lacoste nói và cho biết thêm rằng các nhà sản xuất nhỏ đang rất mong manh về kinh tế.
Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bùng phát trong thời kỳ cao điểm sản xuất sữa ở châu Âu, đã làm rung chuyển ngành công nghiệp. Sự sụt giảm mạnh nhu cầu về các loại phô mai có giá trị cao đã khiến nông dân chế biến một loạt các sản phẩm sữa dễ lưu trữ hơn như bơ và sữa bột.
“Điều đó lại tạo ra tình trạng sản xuất quá mức, gây áp lực lên thị trường chung”, một ủy viên Ủy ban châu Âu nói với phóng viên hôm 5/5 khi ông mô tả về “một tình huống sốc thị trường” với các sản phẩm từ sữa.
Trước áp lực từ các chính phủ thành viên EU, Ủy ban châu Âu đã quyết định trả tiền cho nông dân Pháp để tạm thời lưu trữ hơn 18.000 tấn phô mai, nhằm duy trì thị trường trong cơn khủng hoảng. Brussels cũng công bố hỗ trợ các kho lưu trữ riêng cho bơ và sữa bột gầy.
Nhưng thay vào đó, nhiều nông dân lại muốn EU trả tiền cho họ để giảm sản lượng, họ lập luận rằng dự trữ phô mai sẽ chỉ kéo dài thêm vấn đề dư cung, cho đến khi phô mai tràn vào thị trường đẩy giá xuống sâu. Chủ tịch Ủy ban Sữa châu Âu Erwin Schöpges đã mô tả các biện pháp hỗ trợ lưu trữ của EU là "sai lầm", và tổ chức của ông sẽ phối hợp các cuộc biểu tình ở 8 quốc gia EU, bao gồm Pháp và Bỉ, kêu gọi đổ bỏ sữa bột ra các cánh đồng trong ngày 7/5.
Sylvain Louis, một nông dân chăn nuôi bò sữa ở Ardennes (Pháp), sẽ là một trong số khoảng 20 nông dân trên khắp nước Pháp tổ chức các cuộc biểu tình riêng biệt ngay trên chính mảnh đất của mình, đảm bảo tuân thủ các quy tắc về phong tỏa phòng dịch COVID-19.
“Chúng tôi có rất nhiều ví dụ cho thấy việc lưu trữ sữa chẳng có tác dụng gì cả”, ông Louis nói và bổ sung thêm rằng ông và vợ con đã mang sữa bột rải khắp cánh đồng nhà.
Trong khi đó, ông Lacoste kêu gọi: “Brussels phải cung cấp cho các nhà sản xuất thêm nhiều sự bảo vệ nữa”, đồng thời cho hay các nhà sản xuất phô mai Pháp đã thiệt hại 157 triệu USD kể từ khi lệnh phong tỏa phòng dịch bắt đầu. Khoảng 1.000 tấn phô mai đã bị tiêu hủy, đổ bỏ hoặc bị tan chảy và được bán như phô mai chất lượng thấp.
Hôm 5/5, Hội đồng quốc gia về Xuất xứ sữa Pháp đã phát động một chiến dịch nhằm đảm bảo 1.000 tấn phô mai chất lượng cao sẽ không bị tiêu hủy. Đó là lý do tại sao các nhà sản xuất phô mai Pháp không bằng lòng với việc chỉ ngồi chờ đợi thêm trợ giúp từ Brussels. Các nhà sản xuất như Emmental, Selles-sur-Cher và Fourme de Montbriso đã có được sự cho phép của chính phủ để tạm thời điều chỉnh các công thức sản xuất “thần thánh” của họ nhằm lưu trữ phô mai lâu hơn.
Ngoài ra, các nông dân chiếm khoảng một nửa sản lượng phô mai được EU bảo đảm hàng năm (khoảng 230.000 tấn) đã yêu cầu chính phủ Pháp cho phép họ kích hoạt một điều khoản trong Chính sách Nông nghiệp Chung nhằm giảm sản lượng cho phù hợp với quy mô của cầu.