Sữa Thế giới

Phân hóa bò sữa Đức

Các trang trại bò sữa nhỏ ở Đức đang biến mất một cách nhanh chóng, và với việc hệ thống hạn ngạch sữa của EU sẽ hết hạn vào năm tới, quá trình này sẽ tăng tốc nhanh hơn nữa.

Jens Nielsen là nông dân chăn nuôi bò sữa cuối cùng trên đảo Sylt ở Biển Bắc. Hơn 30 năm qua, ông gắn bó với trang trại gia tộc đã lưu truyền hàng thế kỷ. Cả cuộc đời ông hy sinh cho nghề sữa, nhưng trang trại nhỏ của ông đứng trước nguy cơ lớn.

Trong những năm gần đây, giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi bò sữa, từ thức ăn, điện, máy kéo, thuốc men cho tới máy vắt sữa và tinh dịch bò đều tăng. Nhưng trong 10 năm từ 2002-2012, số tiền nông dân nuôi bò sữa nhận được cho mỗi kg sữa gần như bất biến ở mức 30 cent. Nông dân chẳng được là bao trong khi người tiêu dùng phải trả ít nhất 50 cent cho 1 lít sữa bán trong các siêu thị.

Chính các tay trung gian, các nhà quản lý sữa và các ông chủ cửa hàng đã quyết định giá cho mỗi lít sữa. Khi hệ thống hạn ngạch sữa của EU hết hạn vào năm tới, sự nghiệp công nghiệp hóa các trang trại chăn nuôi bò sữa sẽ tăng tốc hơn nữa. Các trang trại lớn sẽ trở nên lớn hơn, các trang trại vừa hoặc phát triển hoặc biến mất, trong khi các trang trại nhỏ sẽ chỉ sống sót nếu có thể tìm được chỗ đứng trong thị trường sản phẩm cao cấp.

Trong 30 năm qua, hệ thống hạn ngạch sữa của EU quy định chính xác mỗi nông dân được phép sản xuất bao nhiêu sữa. Nhưng năm 2015, hệ thống khét tiếng này sẽ được bãi bỏ, chăn nuôi bò sữa được tự do hóa, mọi nông dân có quyền tự do sản xuất nhiều như mong muốn. Không khó để dự đoán hậu quả là các trang trại bò sữa sẽ trở nên lớn hơn và công nghiệp hóa hơn, còn giá sữa thì sẽ tiếp tục giảm.

Những nông dân như Nielsen có thể phải bỏ cuộc. Vài năm trước, một hãng sữa lớn ở đất liền đã hủy bỏ hợp đồng với Nielsen với lý do trang trại của ông chỉ có 36 con bò, không sản xuất đủ sữa để bù vào chi phí vận chuyển. Kể từ lúc đó, ông chỉ bán được sản phẩm của mình trên đảo Sylt.

Đôi khi, khách du lịch ghé qua uống sữa, họ khen mùi vị sữa gợi nhớ ký ức xa xưa. Nhưng nhiêu đó không đủ để duy trì kinh doanh, chưa kể 1 lít sữa giá khoảng 1,2EUR, nhiều người cho là quá đắt.

 

Nielsen là một phần trong ngành thực phẩm lớn thứ hai ở Đức, chỉ đứng sau ngành sản xuất thịt. Khoảng 80.000 trang trại trong nước sản xuất 30 tỷ lít sữa mỗi năm. Ngành công nghiệp sữa giống như một cỗ máy khổng lồ bơm dòng sản phẩm trắng như tuyết của nó lên các kệ hàng trong những siêu thị giảm giá, nơi bán hộp sữa 1 lít chỉ 50 cent, xấp xỉ nước khoáng.

Cỗ máy không bao giờ có thể hoạt động như vậy nếu chỉ được cung cấp nguồn sữa từ những nông dân nhỏ lẻ như Nielsen. Thực tế, cỗ máy dựa vào những trang trại lớn được trang bị máy móc, kỹ thuật số. Một trong số đó là trang trại bò sữa của Ulrich Westrup được EU trợ cấp nằm ở khu vực Bissendorf, Tây Bắc nước Đức. Ở đó, mỗi con bò được đeo cảm biến chuyển động trên cổ để theo dõi và phân tích.

Các thông số về thức ăn, khả năng sinh sản và năng suất sữa của đàn được hiển thị trên màn hình máy tính. Westrup quản lý khoảng 600 con bò, mỗi năm cho ra 6 triệu lít sữa. Westrup bán cho hãng sữa giá khoảng 38 cent/ lít.

Tại Đức, các chuỗi siêu thị gây sức ép lên các hãng sữa, đến lượt các hãng sữa chuyển áp lực giá sang nông dân, và năm ngoái đã có khoảng 3.300 nông dân chăn nuôi bò sữa phải bỏ cuộc. Thống kê cho thấy mỗi 10 năm, tổng số trang trại giảm khoảng một nửa. Chỉ có những trang trại lớn, năng suất cao như của Westrup mới có hy vọng tồn tại.

Nhật Tùng (Theo Spiegel)


Nguồn: saigondautu.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác