Quản lý chăn nuôi bò sữa

Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa hai lứa đẻ ở bò sữa?

Bình thường, thời gian mang thai của bò là 9 tháng 10 ngày, thường từ 280 - 285 ngày, sau khi đẻ 40 - 50 ngày bò cái phục hồi sức khỏe, chức năng sinh sản và động dục trở lại. Thời gian chờ phối khoảng 30 - 45 ngày. Muốn rút ngắn khoảng cách giữa hai lứa đẻ ở bò sữa, người chăn nuôi phải đặc biệt quan tâm đến thời gian chờ phối nhằm phát hiện động dục và phối giống đậu thai cho bò đạt kết quả tốt nhất. Như vậy, bò sữa có thể đẻ mỗi năm một lứa. Tuy nhiên, trong thực tế, do nhiều nguyên nhân mà khoảng cách từ khi đẻ đến khi phối giống có chửa kéo dài trên 3 tháng, làm cho khoảng cách giữa 2 lứa đẻ kéo dài trên 365 ngày hoặc hơn

Có thể những bò này không động dục hoặc động dục thầm lặng (phải đặc biệt chú ý hoặc dùng một số biện pháp hỗ trợ thì mới có thể phát hiện được). Nguyên nhân của hiện tượng này có thể d Nuôi dưỡng kém, thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn trong khẩu phần thiếu hoặc mất cân đối, dẫn đến tình trạng bò gầy yếu: bò có các bệnh liên quan đến buồng trứng, tử cung như buồng trứng kém phát triển, u nang buồng trứng, viêm tử cung với thể vàng tồn lưu... dẫn đến thiếu hoặc rối loạn điều tiết hormone sinh dục; chăm sóc, nuôi dưỡng kém và quản lý hệ thống chăn nuôi không tốt, bò cái ít được vận động, không tiếp xúc với những bò cái trưởng thành hoặc bò đực. Cũng có thể do bò sữa đẻ lứa đầu, có sản lượng sữa lớn hoặc ở những bò cái mà bê con trực tiếp bú vú mẹ và theo mẹ... Khoảng cách giữa 2 lứa đẻ càng dài thì hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa càng thấp vì, chi phí đầu tư tăng, thu nhập từ sữa và bê con hàng năm thấp...

Để khắc phục tình trạng bò sữa sau khi đẻ 3 - 4 tháng mà không thấy động dục, trước hết phải xem xét bò sữa không động dục thực sự hay động dục thầm lặng. Nếu đã theo dõi hoặc thậm chí đã dùng bò đực mà vẫn không phát hiện được động dục thì chứng tỏ bò sữa không động dục thật sự. Sau đó xác định nguyên nhân (thông qua hệ thống sổ sách theo dõi, hỏi người chăn nuôi, sờ khám qua trực tràng...) mà áp dụng biện pháp thích hợp: Nếu bò mới đẻ lứa đầu mà năng suất sữa cao thì phải chờ đợi thêm. Nếu có bê con trực tiếp bú vú mẹ và theo mẹ thì phải tách ra. Nếu do chăm sóc, nuôi dưỡng kém, bò gầy yếu thì phải tăng khẩu phần giàu hàm lượng các chất đạm, đường, sinh tố, khoáng và khoáng vi lượng... kết hợp chăn thả trên bãi để bò có điều kiện vận động, tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Nếu bò bị viêm tử cung với thể vàng tồn lưu thì biện pháp điều trị tốt nhất là tiêm prostaglandin hoặc các chất tương tự (2ml chế phẩm estrumate) để làm tiêu biến thể vàng, giảm hàm lượng progesteron và tăng hàm lượng estrogen trong máu để kích thích bò động dục. Nếu bò không động dục do u nang buồng trứng (có thể là u bao nang hoặc u nang thể vàng), có thể tiến hành theo một trong các biện pháp sau: Thò tay vào trực tràng, qua thành trực tràng phá hủy u nang, để kích thích rụng trứng và hình thành thể vàng mới: tiêm 250 UI liberin (tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp), hoặc 6.000 UI kích tố nhau thai người (HCG) (tiêm tĩnh mạch) để làm tăng tỷ lệ hormone Jutein (LH) trong máu; tiêm prostaglandin (2ml chế phẩm estrumate) trong trường hợp u nang thể vàng. Nếu xác định thể vàng phát triển to trên buồng trứng (đường kính lớn hơn 1 cm) thì tiêm prostaglandin F (2ml chế phẩm estrumate), để làm teo biến thể vàng, 3 ngày sau động dục xuất hiện. Nếu thấy thể vàng nhỏ thì cần phải xác định xem đó là thể vàng đang hình thành hay thể vàng đang thoái hóa. Nếu thể vàng đang hình thành, bò sẽ động dục sau đó khoảng 2 tuần. Nếu thể vàng đang thoái hóa, động dục sẽ xuất hiện sau một vài ngày.

KS.Đặng Tịnh

Nguồn: Báo nông nghiệp
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác