Quản lý chăn nuôi bò sữa
Kiểm tra chất lượng sữa: Lại phát hiện thiếu chất đạm, chất béo
Sữa thiếu chất đạm, chất béo…
Chỉ tính kết quả ban đầu ở 12/14 tỉnh thành trong diện được kiểm tra (trong đó có Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng…) đã có báo cáo về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, với 279 mẫu sữa chủ yếu là sữa bột được kiểm nghiệm chỉ tiêu hóa, lý, vi sinh, cho thấy số mẫu có tỷ lệ đạm thấp hơn công bố của nhà sản xuất lên tới 25,24% (53/210 mẫu được kiểm nghiệm hàm lượng đạm)!
Về hàm lượng chất béo, số mẫu có hàm lượng chất béo thấp hơn công bố trên nhãn mác cũng chiếm tỷ lệ 19,84% (24/121 mẫu), trong số này có cả một số sản phẩm sữa đặc có đường, sữa bột cho bà bầu và trẻ em của 3 doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước danh tiếng nhất VN! Còn về chỉ tiêu vi sinh, 3,94% mẫu không đạt (2/68 mẫu).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn thừa nhận so với 2008, mặc dù số mẫu sữa có hàm lượng đạm thấp đã giảm (25,24% so với 50% của 2008), nhưng tỷ lệ kể trên cho thấy hàng hoá kém chất lượng vẫn tiếp tục lưu thông và đến tay người tiêu dùng. Chưa kể tới 1491/2015 cơ sở được kiểm tra (73,02%) lần này có vi phạm về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, với hành vi chủ yếu là chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ mẫu không đạt yêu cầu về hàm lượng dinh dưỡng khá cao và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sang bao, đóng gói trong nước từ nguyên liệu nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục An toàn vệ sinh thực phẩm giở 2 báo cáo từ địa phương, cho biết có những mẫu sữa công bố hàm lượng đạm lên tới 34%, nhưng thực tế kiểm nghiệm chỉ đạt… 2,8%! Thậm chí có mẫu hàm lượng đạm chỉ đạt… 0,62%, trong khi tự công bố lượng chất đạm tới 13%! Điều nguy hiểm hơn cả là rất nhiều trong số mẫu sữa kém chất lượng này đều được lấy từ các chợ, cửa hàng sữa thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn nghèo, dành được chút tiền mua sữa cho con là cả một sự cố gắng lớn.
Đề nghị tăng mức xử phạt
Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng nên “siết” điều kiện kinh doanh sản phẩm sữa. “Sản xuất kinh doanh thực phẩm là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhưng lại để cho ai cũng làm. Người kinh doanh thực phẩm phải hiểu về chất lượng, an toàn thực phẩm nhưng kiểm tra vừa qua cho thấy đa số người bán hàng chưa hiểu! Mặt hàng sữa yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, điều này phải quy định trong Luật An toàn thực phẩm sắp được trình Quốc hội”- ông Khẩn nói.
Một vấn đề nữa là mức xử phạt, theo ông Nguyễn Công Khẩn, mức xử phạt còn thấp dẫn đến nguy cơ tái phạm cao. “Cả đợt thanh tra ở 5 tỉnh thành, với hàng chục doanh nghiệp vi phạm nhưng tổng mức phạt chưa đến 100 triệu đồng. Điểm yếu nữa là rất ít, thậm chí hầu như không có chuyện thanh tra y tế đề xuất, UBND các cấp xử phạt, mà để thanh tra y tế xử phạt thì mức rất nhẹ. Chúng tôi muốn kéo UBND các cấp vào cuộc, họ có thể phạt đến 50-100 triệu đồng, thậm chí đóng cửa những doanh nghiệp tái phạm nhiều lần”- ông Khẩn đề nghị.
Tuy nhiên điểm “yếu” của chính đợt thanh tra này là nhiều báo cáo đã gửi về Cục An toàn thực phẩm từ tháng 5-2009, nhưng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chưa công bố vì phần lớn báo cáo hoàn toàn không có số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng của từng sản phẩm sữa có hàm lượng chất đạm, chất béo thấp như Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã hướng dẫn, mà chỉ báo cáo tỷ lệ vi phạm chung chung.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết sẽ yêu cầu các địa phương xác minh lại lô, ngày sản xuất từng sản phẩm để công bố công khai. Những doanh nghiệp quảng cáo quá mức, không được cấp phép chờ giải trình cũng sẽ được công khai với báo chí. Nhưng bao giờ công khai những sai phạm rõ ràng này, thì lại phải chờ!
Chúng tôi đã có 2 lần hội thảo về quảng cáo sữa, có sự tham gia của Vụ Sức khoẻ sinh sản, bà mẹ trẻ em Bộ Y tế. Nhìn nhận lại các doanh nghiệp không sai nhưng một trong những khuyến nghị là tần suất quảng cáo sữa liệu có nên khống chế? Nhưng có điều chắc chắn là Cục sẽ siết chặt trong việc xem xét các ngôn từ quảng cáo. Thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp bị yêu cầu giải trình về ngôn từ quảng cáo hay các vi phạm khác, có khi 1 tuần 2-3 hồ sơ đề nghị quảng cáo phải tạm dừng.
Chúng tôi đang chuẩn bị khi đủ dữ liệu của 2 tỉnh còn lại thì tổng hợp báo cáo đợt kiểm tra sữa lần này. Không phải là không công khai, mà những báo cáo chưa đủ nội dung về số lô, ngày sản xuất… phải đề nghị Sở Y tế xác minh lại, nếu công bố những báo cáo không đầy đủ, có thể gặp sự cố như vụ melamine là thiệt hại cho doanh nghiệp và doanh nghiệp doạ kiện Bộ Y tế!
Trong báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng cũng có nêu 6 sản phẩm có hàm lượng chất béo thấp hơn công bố của 3 nhà sản xuất danh tiếng. Chúng tôi sẵn sàng công khai, nhưng cần có thêm thời gian xác minh do nghi ngờ sản phẩm bị ảnh hưởng chất lượng từ khâu bảo quản!