Đề tài được triển khai thực hiện từ tháng 11/2009 tại Trại bò sữa Sao Vàng – Thọ Xuân, huyện Hoằng Hóa và Thành phố Thanh Hóa. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, tỷ lệ bò có chửa khi TTNT bằng tinh phân giới tính tại thành phố Thanh Hóa và Trại bò Sao Vàng từ 36,25-37,5% kết quả này gần tương đương với chỉ tiêu đề ra (40%). Tuy nhiên ở huyện Hoằng Hóa tỷ lệ bò có chửa chỉ đạt 25%, bình quân chung đạt 35%. Chúng tôi cho rằng, tỷ lệ đậu thai còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng bò cái, thời điểm phối giống thích hợp và trình độ tay nghề của dẫn tinh viên. So sánh với kết quả TTNT bằng tinh phân giới tính tại các trại bò sữa ở Mộc Châu – Sơn La và Trung tâm bò sữa Tuyên Quang của công ty Vinamilk cũng cho kết quả là 33 -35%.
Hiện tại đã có 24 con bê được sinh ra tại trại bò sữa Sao Vàng và thành phố Thanh Hóa trong đó có 22 con cái và 02 con đực, tỷ lệ bê cái được sinh ra đạt 91%. Kết quả này phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đề tài đặt ra. Khối lượng bê sơ sinh bình quân đạt 31.67kg/con. Khả năng tăng trọng của bê được sinh ra từ công nghệ TTNT bằng tinh phân giới tính khoảng 1000g/ngày/con. Điều này, cho thấy sự thích nghi của bê là rất tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương. Ngoài ra trong nội dung của đề tài còn tổ chức đào tạo được 10 kỹ thuật viên làm công tác TTNT bằng tinh phân giới tính và 20 hộ chăn nuôi bò sữa được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa.
Sử dụng tinh phân giới tính chúng tôi thấy có 3 hiệu quả lớn, hiệu quả thứ nhất giúp cho tăng nhanh đàn bò sữa, nếu như sử dụng tinh bình thường tức là sử dụng tinh không phân biệt giới tính thì tỷ lệ bê cái/bê đực sinh ra bao giờ cũng là 50/50, nhưng sử dụng tinh giới tính thì tỷ lệ bê cái sinh ra đạt 90%; thứ hai việc sử dụng tinh giới tính giúp cải thiện chất lượng đàn bò tốt, khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu tại Việt Nam tốt hơn so với bò nhập khẩu; thứ ba, giá bán lẻ một liều tinh phân giới tính khoảng 45 USD (tương đương 950 ngàn đồng). tỷ lệ có chửa bình quân là 35% tương đương với 3 liều/con có chửa. Như vậy, chi phí trung bình vật tư TTNT để có một bê cái là khoảng 3 triệu đồng/con. So với giá bê cái tơ thuần hiện nay là 15 đến 20 triệu đồng thì chi phí trên là chấp nhận được. Mặt khác, dùng tinh bò sữa phân giới tính giúp tăng đàn lên nhanh gấp đôi chỉ trong vòng từ một đến hai năm. Hơn nữa, đàn bò sữa còn có khả năng tăng mạnh ở thế hệ tiếp theo vì bê sinh ra phần lớn là bê cái. Như vậy hiệu quả trong việc sử dụng tinh giới tính rất là cao.
Về mặt kỹ thuật TTNT, chúng tôi cũng đã rút ra kết luận là khâu tuyển chọn bò cái nhận tinh là hết sức quan trọng, chỉ nên phối giống cho những con có khả năng sinh sản tốt, đường sinh dục bình thường, đặc biệt là bò cái tơ. Đồng thời phát hiện động dục chính xác, đúng thời điểm, phối giống kịp thời và kỹ thuật viên TTNT lành nghề. Như vậy sẽ tiết kiệm được vật tư, giảm giá thành sản xuất bò cái giống.
Đề tài đã được nghiệm thu bước1. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục thực hiện các nội dung tiếp theo của đề tài, để từ đó có những đánh giá kết luận về mặt khoa học và thực tiển làm cơ sở để tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND tỉnh về công tác phát triển giống bò sữa trên địa bàn Thanh Hóa trong thời gian tới./.
Thạc sĩ Nông nghiệp: Lê Trần Thái, TT NCƯDKHKT CN