Quản lý chăn nuôi bò sữa

Giải pháp phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở Vĩnh Tường

Vĩnh Tường là địa phương chăn nuôi bò sữa lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng quan tâm, đầu tư các dự án kỹ thuật nhằm đưa nghề chăn nuôi bò sữa phát triển một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Với kinh nghiệm rút ra từ những thất bại, khó khăn ban đầu, đến nay huyện Vĩnh Tường có trên 1.800 con bò sữa, 450 hộ chăn nuôi; sản lượng sữa tươi ước đạt 3.600 tấn/năm. Từ những hiệu quả mà con bò sữa mang lại, Vĩnh Tường đang tiếp tục triển khai rất nhiều biện pháp để bò sữa trở thành con vật làm giàu cho người nông dân

 

Bên cạnh việc đầu tư kỹ thuật thì vấn đề an toàn vệ sinh trong chăn nuôi bò sữa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sữa cũng được quan tâm. Vì vậy, mô hình chăn nuôi bò sữa áp dụng quy trình VietGap đang được người chăn nuôi bò sữa Vĩnh Tường áp dụng triển khai như là một trong những giải pháp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa một cách bền vững.

 

 
Ông Trần Văn Tiến thôn Cam Giá xã An Tường cho biết: Được sự quan tâm giúp đỡ trực tiếp của Trung tâm nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì - Hà Nội và Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Tường, gia đình anh đã được chọn tham gia mô hình khuyến nông “Chăn nuôi bò sữa áp dụng VIETGAP” từ đầu năm 2011. Khi tham gia, ngoài thức ăn cho bò sữa gia đình anh còn được hướng dẫn rất tỷ mỷ về kỹ thuật chăn nuôi cũng như các kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh trong chăn nuôi bò sữa của các cán bộ kỹ thuât. Nhờ vậy, kiến thức về an toàn vệ sinh trong chăn nuôi của gia đình anh được nâng lên rất cao. Cứ một vài ngày, các mẫu sữa lại được lấy để đem đi phân tích, kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật như tỷ lệ chất khô, béo, vi sinh. Riêng đối với sữa có tồn dư kháng sinh sẽ không thu mua nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Chính vì vậy,   đây là một mô hình rất tốt, cần được nhân rộng vì không những giúp nâng cao kỹ thuật chăn nuôi mà quan trọng nhất là ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm của người chăn nuôi được nâng cao rõ rệt.

 

 
Thị trường tiêu thụ là một trong những tiêu chí quyết định sự tồn tại bền vững của sản phẩm. Nếu như những năm trước, người dân ở đây nuôi bò lấy sữa mang tính tự phát, tự lo đầu ra thì hiện nay, vấn đề tiêu thụ đã không còn phải lo như trước. Bằng việc tạo mối liên kết giữa người chăn nuôi và các công ty sữa nên thời gian qua, việc chăn nuôi bò sữa ngày càng thuận lợi.
Ông Đỗ Văn Hà, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thịnh đồng thời cũng là một trong những người đã từng tham rất nhiều mô hình cho biết: “Hiện tại, chúng tôi liên kết với hai công ty sữa chính là công ty sữa Vinamilk và công ty sữa Quốc tế IDP. Các công ty này ngày càng tạo mối liên kết chặt chẽ với người chăn nuôi không chỉ về đầu ra của sản phẩm mà còn đầu tư về kỹ thuật cho người chăn nuôi rất nhiều. Các cán bộ kỹ thuật của công ty xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, quản lý trang trại, quản lý chất lượng cho nông dân. Đội ngũ này còn xuống từng hộ để hướng dẫn, kiểm tra tại chỗ cho nông dân từ cách vệ sinh chuồng trại, theo dõi chăm sóc đàn bò, chế biến thức ăn, cho ăn, phòng chống dịch bệnh cho đến việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng như máy vắt sữa, máy vệ sinh, can nhôm đựng sữa, bồn trữ lạnh... để người nông dân có đủ khả năng dần dần tự nâng cao năng suất và chất lượng sữa”.
Có thể nói, yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường như ngày nay phải kể đến là vai trò lãnh đạo của các cơ quan chức năng. Tuy còn nhiều khó khăn thách thức nhưng ngành chăn nuôi bò sữa của huyện luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ, hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất của lãnh đạo địa phương. Xác định chăn nuôi bò sữa là hướng đi đúng đắn, Vĩnh Tường tiếp tục xây dựng dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2011-2015. Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa là một niềm vui đối với người chăn nuôi khi có thêm sự hỗ trợ của Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP. Dự án được thực hiện trên 10 xã của huyện gồm: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường, Phú Đa, Phú Thịnh, Cao Đại, Bình Dương, Tân Cương, Tuân Chính, Tam Phúc. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án và đầu tư 45 tỷ đồng cho dự án chăn nuôi bò sữa của Vĩnh Tường giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu dự án chính là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao sản lượng sữa bò tươi trên địa bàn huyện lên 12 ngàn tấn/năm, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người nông dân.
Dự án sẽ hỗ trợ nông dân mua mới 1000 con bò sữa để phát triển chăn nuôi bò sữa sinh sản. Ngân sách tỉnh hỗ trợ mua vật tư phục vụ thụ tinh nhân tạo cho bò sữa: 50% về tinh bò sữa, tinh HF giới tính cái nhập ngoại; 100% Nitơ lỏng, gang tay, ống ghen cho thụ tinh nhân tạo; 100% văcxin lở mồm long móng, hóa chất khử trùng tiêu độc và tiền công thực hiện; hỗ trợ toàn bộ về vật tư dụng cụ để bình tuyển gắn số tai cho đàn bò sữa.
Để khuyến khích bà con nông dân chăn nuôi bò sữa, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP) hỗ trợ 20 triệu đồng/con bò giống, không lãi suất với thời gian vay từ 12-18 tháng cho những hộ mua mới bò sữa về chăn nuôi, khai thác sữa; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, huấn luyện nghề chăn nuôi bò sữa cho những hộ có nhu cầu.
Với sự đầu tư của UBND tỉnh, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP), sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự năng động của các hộ tham gia, nhân rộng dự án trên cơ sở khai thác tiềm năng đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi, bà con nông dân Vĩnh Tường sẽ có thêm nhiều niềm vui về con bò sữa. Từ đó, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô theo hướng công nghiệp, hiện đại hoá các quy trình sản xuất./.
 

Trung tâm Thông tin Nông nghiệp & PTNT

Nguồn: nnptntvinhphuc.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác