Quan hệ ngành sữa việt nam với thế giới

Gắn kết ngành sữa của Việt Nam với thế giới

Đó chính là nội dung thảo luận chính trong Hội thảo “Thúc đẩy sự gắn kết ngành sữa Việt Nam với thế giới” diễn ra vào ngày 23/04/2009 tại Hà Nội, được tổ chức bởi FAO, Liên đoàn Ngành sữa quốc tế (IDF) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những mục tiêu phát triển trong tương lai, những vấn đề thực trạng của ngành sữa tại Việt Nam đã được các báo cáo viên làm sáng tỏ. Sự cần thiết phải có một tổ chức tầm cỡ quốc gia về ngành sữa và gắn kết với các hoạt động của ngành sữa quốc tế cũng đã được chỉ rõ, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Bất kỳ đối tượng nào trong ngành sữa của Việt Nam cũng rất cần trao đổi thông tin với thế giới để có thể bắt kịp sự tiến bộ và tạo lợi thế cạnh tranh ngay chính thị trường nội địa của mình.
 
Sự có mặt của Tổng Giám đốc IDF - Ông Christian Robert tại Hội thảo đã cho thấy IDF đang rất quan tâm đến sự phát triển của ngành sữa tại các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Theo ông Robert, việc một quốc gia gia nhập IDF sẽ có rất nhiều lợi ích bởi IDF là một tập hợp gồm 1200 chuyên gia đầu ngành trên khắp thế giới, và là một tổ chức khoa học bao gồm tất cả các lĩnh vực liên quan đến ngành sữa từ sản xuất, thương mại, tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Việc tham gia vào IDF sẽ giúp các quốc gia được tiếp cận với nguồn tri thức khổng lồ về ngành sữa, giúp giải quyết những tồn tại trong phát triển ngành sữa mà các quốc gia đang gặp phải.
 
Một số đại biểu lấy dẫn chứng: việc người tiêu dùng không có những thông tin, những phân tích đúng với bản chất sự việc về những vấn đề xảy ra trên sản phẩm sữa, điển hình như vụ việc melamine, sữa nghèo đạm dẫn đến hoang mang, giảm mua hoặc tẩy chay hàng nội, làm thiệt hại không nhỏ đến ngành sữa trong nước. Việc tham gia vào IDF là một sự cần thiết tất yếu nhằm thảo luận những vấn đề liên quan và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các bên trong ngành sữa.
 
PGS, TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ, các nhà làm chính sách của Việt Nam đã rất mong muốn có một ủy ban quốc gia chỉ đạo về ngành sữa. Tuy nhiên do nhiều lý do mà ủy ban này chưa được thành lập. Hội thảo này cho thấy tính cấp bách của việc hình thành một tổ chức quốc gia để thúc đẩy ngành sữa trong nước và là đầu mối gắn kết với các nước khác trên thế giới.
 
Để gia nhập IDF, Việt Nam cần phải có một tổ chức đại diện cho ngành sữa có thể gắn kết các bên trong ngành sữa. Hiện tại, Bộ Công thương và Công ty cổ phần sữa Việt Nam (VINAMILK) đang trình Chính phủ phê duyệt thành lập hiệp hội ngành sữa Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành thành viên của IDF ngay trong tháng 9 năm 2009 nếu hiệp hội trên được thành lập trước đó.
 
Đại diện cho Chủ tịch đoàn, ông Nguyễn Đăng Vang đã đề xuẩt một danh sách các bên sẽ đứng ra đại diện cho toàn ngành để thực hiện các công việc cần thiết nhằm đưa Việt Nam gia nhập IDF trong thời gian sớm nhất.

 
Như vậy, sự cam kết của các bên trong ngành sữa trong việc hình thành một tổ chức tầm cỡ quốc gia, đại diện cho tất cả các bên trong ngành sữa để thảo luận những vấn đề phát triển ngành sữa trong nước và gắn kết với thế giới, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân trong ngành đối với sự phát triển bền vững của ngành sữa trong nước. Sẽ là một sự thay đổi rất lớn mang chiều hướng tích cực trong ngành sữa của Việt Nam một khi hiệp hội ngành sữa ra đời.


Nguồn: Dairy Vietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác