Phối giống nhân tạo - Phát hiện động dục
Ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi tạo giống bò sữa tại Thanh Hoá
ở Việt Nam, năm 1978 tại Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ cấy truyền phôi, đến năm 1986 thì con bê đầu tiên ở Việt Nam ra đời. Đến nay, nước ta có trên 200 con bê đã được ra đời, một số tỉnh đã thành công trong công nghệ này như Hà Nội, Hà Tây cũ, Thành phố Hồ Chí Minh…
Thực hiện Nghị quyết 06/NQ-TU của ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm thời kỳ 2003-2010. UBND tỉnh Thanh Hoá; Sở Nông nghiệp & PTNT; Sở khoa học và công nghệ, đã phê duyệt triển khai đề tài: “ứng dụng công nghệ cấy truyền phôi tạo giống bò sữa tại Thanh Hoá”. Đây là đề tài mang tính công nghệ cao và có ý nghĩa thực tiễn lớn. Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi Thanh hoá đã triển khai đề tài với sự phối của Viện nghiên cứu chăn nuôi, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Tỉnh, Chi cục thú y Tỉnh và các cơ quan hữu quan khác. Đề tài được triển khai tại huyện Hoằng Hoá và Thành phố Thanh Hoá.
Để triển khai thành công đề tài ứng dụng khoa học và công nghệ cấy truyền phôi tạo giống bò sữa tại Thanh Hoá, các chuyên gia chăn nuôi của Tỉnh đã sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cấy truyền phôi như:
- Cấy phôi theo phương pháp không phẫu thuật qua đường sinh dục của Bò cái bằng dụng cụ chuyên ngành.
- Giải đông phôi đông lạnh.
- Gây động dục đồng pha bằng các hoóc môn sinh dục đối với bò cái nhận phôi.
- Chọn Bò cái nhận phôi có trọng lượng trên 250kg/con trở lên, sinh lý sinh sản tốt, sinh trưởng phát triển tốt, là Bò cái tơ hoặc Bò đã được sinh sản 1 - 2 lần.
Sau thời gian thực hiện 24 tháng (từ tháng 7/2006 đến tháng 7/2008) đề tài đã được Hội đồng khoa học chuyên ngành cấp tỉnh nghiệm thu, đánh giá cao.
Cấy truyền phôi là sự chuyển phôi từ cơ thể mẹ này (mẹ cho) sang một cơ thể mẹ khác (mẹ nhận). Sự thành công này phụ thuộc vào môi trường cơ thể mẹ nhận, giới hạn của sự miễn dịch, sự trao đổi tín hiệu giữa mẹ với phôi, tín hiệu này phải thể hiện sự đồng pha giữa mẹ và con.
Nguyên tắc của công nghệ cấy truyền phôi là lấy phôi ở vị trí nào trong đường sinh dục của con cho, thì khi cấy, phải cấy đúng vị trí đó trong đường sinh dục của con nhận. Hiện nay chúng ta đang sử dụng phôi đông lạnh của nước ngoài, phôi này được tạo tạo ra từ những con bò bố, bò mẹ có sản lượng sữa từ hơn 6000 lít/một chu kỳ (bò cái sau khi được thụ tinh tạo thành phôi, phôi sẽ được lấy ra và được bảo quản trong ni tơ lỏng âm 196oC ).
Sau 2 năm thực hiện đề tài đã cấy truyền phôi, số bò có chửa 3 tháng là 45% (9 con) số bê sinh ra trên số bò có chửa là 66% (6 con), số bê sinh ra trên số bò nhận phôi là 30% (6 con).
Đề tài đã khẳng định công nghệ cấy truyền phôi thành công và có thể mở rộng trên địa bàn Thanh hoá. Quá trình thực hiện đề tài đã đào tạo được một đội ngũ kỹ thuật nắm vững quy trình, thao tác cấy truyền phôi. Từ đó giúp ngành chăn nuôi của Tỉnh nhà tạo ra những con giống tốt là hạt nhân, nhân nhanh giống tốt, quý hiếm, khai thác triệt để tiềm năng di truyền của các cá thể cao sản; nâng cao khả năng sinh sản, tăng năng suất sữa, thịt, rút ngắn thời gian tuyển chọn giống.
Tuy nhiên, để đề tài được mở rộng ra sản xuất, đề nghị các cấp, các ngành cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư để công nghệ cấy truyền phôi được nhân rộng trong sản xuất.