Phối giống nhân tạo - Phát hiện động dục
Lịch sử phát triển của ngành thụ tinh nhân tạo ở Việt Nam
Năm 1960 Trung Quốc giúp Việt Nam nuôi bò sữa và TTNT cho bò bằng tinh lỏng với việc sử dụng mỏ vịt.
Năm 1970 nhờ sự giúp đỡ của Cuba, trung tâm khai thác và đông lạnh tinh bò Moncada được xây dựng tại Ba Vì (Hà Tây). Từ đó kỹ thuật TTNT cho bò phát triển mạnh ở khu vực Hà Tây, Hà Nội và nhiều nông trường quốc doanh.
Lúc này (1970) vẫn dùng tinh lỏng và phương pháp phối tinh là trực tràng – âm đạo.
Năm 1972 - 1973 nước ta bắt đầu sản xuất thử tinh đông viên tại trung tâm Moncada dưới sự trợ giúp của Cuba.
Năm 1974 bắt đầu dùng tinh đông viên để phối giống cho bò. Năm 1978 sản xuất thành công tinh trâu đông lạnh.
Năm 1985 sản xuất thành công tinh lợn đông lạnh (bảo tồn quỹ gen).
Năm 1998 bắt đầu sản xuất tinh cọng rạ trên dây chuyền sản xuất của Đức dưới sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Sau những năm 2000, công nghệ sản xuất tinh cọng rạ được cải tiến nhằm nâng cao chất lượng tinh cọng rạ cũng như quy trình sản xuất dưới sự giúp đỡ của tổ chức JICA Nhật bản.
Từ năm 1975 - 1980 việc ứng dụng kỹ thuật TTNT cho gia súc chỉ mới thực hiện trong các nông trường nhà nước.
Đầu những năm 90, hàng năm cả nước chỉ có 5.000 - 12.000 con bò được phối giống bằng phương pháp TTNT.
Sau năm 1995, nhờ các chương trình phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chương trình cải tạo đàn bò (Sind hoá đàn bò) và phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh, kỹ thuật TTNT được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất ở mức nông hộ.
Trong khoảng 3 năm gần đây (2003-2005) hàng năm Trung tâm Moncada sản xuất khoảng 500 ngàn liều tinh bò thịt và bò sữa, ước số lượng tinh nhập từ bên ngoài khoảng 50 ngàn liều. Tuy nhiên số lượng tinh được sử dụng thực tế để phối cho đàn bò ước có khoảng 400 ngàn liều. Như vậy, hàng năm nước ta có trên 200 ngàn bò cái được phối giống bằng kỹ thuật TTNT.
PGS.TS. Đinh Văn Cải, ThS. Nguyễn Ngọc Tấn