Hỗ trợ kỹ thuật

Ở nơi người dân ấm no nhờ bò sữa
Tiền Phong từng phản ánh tình trạng khó khăn của những người tham gia dự án phát triển đàn bò sữa của tỉnh Sơn La. Nhưng cũng trên vùng đất ấy, tại cái nôi của bò sữa Việt Nam - cao nguyên Mộc Châu - người dân đã ấm no nhờ… sữa.

Cùng chung cảnh khó khăn những năm bao cấp, gia đình anh Lâm Thanh Trân (đơn vị 19/5) cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Hằng ngày, anh phải dậy từ sáng sớm đi hái chè thuê, kiếm chút tiền đong gạo nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Khi đó, anh chỉ mơ ước những người trong gia đình không phải chạy ăn từng bữa…

Thế rồi, năm 1978, cơ hội đến khi anh được nhận làm công nhân Nông trường Mộc Châu (nay là Cty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu). Trước khi chính thức trở thành công nhân, anh Trân bán hết đồ đạc trong nhà để tham gia khoá học trung cấp về chăn nuôi bò sữa. Vì thế, khi nhận việc, anh không còn bỡ ngỡ với yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa.

Năm 1992, nhận thấy sự lĩnh hội kỹ thuật nhanh chóng và vững chắc ở anh, Cty đã giao cho Trân nuôi 30 con bò sữa theo phương thức bán chịu, trả góp. Nhận 30 con bò sữa - kỷ lục số bò sữa trong 1 hộ gia đình lúc đó, Trân nửa mừng nửa lo. Mừng vì có cơ hội thoát nghèo nhưng lo vì e không đủ sức chăm sóc loại gia súc khó tính và đòi hỏi kỹ thuật cao này.

Sau nhiều lần bàn bạc kỹ lưỡng, vợ chồng anh bắt tay xây dựng chuồng trại, thuê đất trồng cỏ và chuẩn bị các điều kiện cho bò giao phối. Mọi sự đang tiến triển tốt đẹp thì đàn bò đồng loạt lăn ra ốm. Cả nhà anh nháo nhác, tự chữa rồi thuê bác sỹ thú y và cán bộ kỹ thuật của Cty, cuối cùng cũng cứu được phần lớn số bò ốm.

Sau lần đó, anh rút ra bài học xương máu về khâu vệ sinh, chuồng trại, thú y… Mấy năm sau, gia đình anh trở thành điển hình tiên tiến trong chăn nuôi bò sữa của cao nguyên Mộc Châu.

Cao nguyên Mộc Châu giờ đã là “túi sữa” của cả nước, khi trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 10 nghìn tấn sữa tươi, đấy là chưa kể các loại sản phẩm khác chế biến từ sữa tươi (sữa đặc, sữa bánh, bột hỗn hợp, bột viên, bột đậm đặc…).

Bên cạnh việc đóng góp ngân sách mỗi năm 2-4 tỷ đồng, doanh thu gần 40 tỷ đồng, mô hình khép kín người sản xuất sữa - người chế biến sữa - nhà phân phối - người tiêu dùng do Cty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu áp dụng đã giúp hàng nghìn lao động có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

Cao nguyên Mộc Châu đã đổi thay nhiều lắm, đồng bào các dân tộc anh em (Kinh, Thái, Mông...) cùng chung sống giờ đã được ăn no, mặc ấm; nhiều người đã là triệu phú…

Đến nay, đàn bò sữa của gia đình anh đã tăng lên 57 con, mỗi năm cho thu hoạch 100 - 120 tấn sữa, lãi khoảng 150 triệu đồng; 2 đứa con đang học ĐH Quản trị kinh doanh. Mừng hơn, mùa xuân vừa rồi, gia đình anh được đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm và chúc Tết…
Ở cao nguyên Mộc Châu  những hộ vươn lên từ nghèo khó đến có của ăn của để như gia đình anh Lâm Thanh Trân giờ đây không còn là hiếm. Chị Nguyễn Thị Đáng (48 tuổi), đơn vị 70 là một ví dụ.

Xuất thân trong một gia đình nghèo túng, không có ruộng đồi, phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày, từ bé Đáng đã phải bỏ học. Nhà Đáng ngay cạnh khu chăn nuôi bò của nông trường nên những lúc rảnh rỗi Đáng thường ngồi ven bờ rào chăm chú nhìn các cán bộ nông trường chăm sóc bò, vắt sữa. Chị Đáng mơ ước sau này sẽ là chủ một trang trại rộng lớn với đàn bò hàng chục, hàng trăm con.

Dẫn tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Phan Văn Hiệp (đơn vị 26/7) với 35 con bò, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, ông Phạm Văn Nhán - Phó tổng giám đốc Cty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu kể về những năm sau đổi mới vô cùng khó khăn của vùng đất cao nguyên trù phú này.

Cứ theo lời ông thì cái nôi của bò sữa Việt Nam đã nhiều lần điêu đứng; thậm chí thời kỳ 1988 - 1990, Nhà nước đã có kế hoạch di chuyển đàn bò vào Lâm Đồng, Đồng Nai và TPHCM.

Rất may, sau đó, những người lãnh đạo Cty vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống nuôi bò sữa gần 50 năm nay đã kiên gan bảo vệ sự tồn tại của bò sữa nơi cao nguyên.

Ông Nhán cho biết, để có được sự thành công này, các hộ chăn bò sữa phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi thì con bò mới cho sữa.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác