Hỗ trợ kỹ thuật

Nghiên cứu giải pháp làm giảm Stress nhiệt cho bò sữa có tỷ lệ máu Holstein Friesian cao (> 87,5%)

1. Mở đầu

Ở các nước tiên tiến, công nghệ làm mát chuồng nuôi để giảm stress nhiệt cho đàn bò sữa đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất. ở nước ta, ngoại trừ những trang trại lớn, mới được xây dựng là có quan tâm đến vấn đề thiết kế chuồng trại thông thoáng, số chuồng trại cũ vẫn chưa được cải tạo, gây nên hiện tượng stress nhiệt, đặc biệt đối với bò sữa có tỷ lệ máu HF cao, làm thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi bò sữa.

Đinh Văn Cải và ctv. (2004) đã nghiên cứu một số biện pháp stress nhiệt cho bò sữa, tác giả kết luận rằng giải pháp đơn giản là thiết kế chuồng trại thông thoáng, còn giải pháp sử dụng quạt gió và phun nước trong chuồng cần tiếp tục nghiên cứu áp lực nước và độ lớn của hạt sương phun ra trong mối quan hệ với tốc độ gió (công suất quạt) để giúp bò sữa thải nhiệt tốt hơn và giảm độ ẩm. Trong khi đó, Bucklin và ctv. (1991) tổng hợp kết quả nghiên cứu ở Florida, Kentucky, Missouri và Israel đã khẳng định rằng sử dụng hệ thống quạt gió và phun sương trong chuồng là giải pháp giảm được stress nhiệt cho đàn bò sữa ở xứ nóng.

Vì thế, chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng hệ thống quạt gió - phun sương đến từng chỉ tiêu nhiệt độ, ẩm độ nói riêng và chỉ số THI nói chung cũng như ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh lý, khả năng sản xuất sữa và sinh sản của đàn bò sữa có tỷ lệ máu HF cao (từ 87,5% trở lên).

 

2. Phương pháp

 

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là đàn bò sữa có tỷ lệ máu HF cao đang được nuôi trong các trại tư nhân ở khu vực TP.Hồ Chí Minh. Xác định tỷ lệ máu bò HF thông qua những ghi chép về gia phả của chủ trại.

 

2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

* Địa điểm: Tại các huyện Hóc Môn và Củ Chi - Thành phố Hồ Chí Minh.
* Thời gian: Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 3/2005 đến tháng 9/2006 (mỗi bò sữa thí nghiệm đạt được 1 chu kỳ đẻ).

 

2.3. Nội dung nghiên cứu

Chọn 4 trại nuôi bò sữa có điều kiện về chuồng trại, nguồn thức ăn và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng bò tương đối giống nhau. Trong 4 trại này, chọn 40 bò sữa có tỷ lệ máu HF cao, đã đẻ từ lứa thứ 1 đến lứa 4 để phân thành 2 lô với năng suất sữa từng cặp tương đối đồng đều nhau (Bảng 1). Ngay thời điểm bắt đầu thí nghiệm, chỉ chọn những bò sữa đang vắt sữa từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 3, sau đó tiếp tục chọn những bò sữa mới đẻ sao cho đủ số lượng bò thí nghiệm ở mỗi lô.

* Lô đối chứng: Không có sự tác động nào.

* Lô thí nghiệm: Cải tiến tiểu khí hậu chuồng nuôi bằng cách lắp đặt quạt gió và hệ thống phun sương trong chuồng.

+ Quạt gió công nghiệp: Đường kính cánh 80 cm; Công suất 1,5'KW; Chiều cao đặt quạt 2,2 m; Đặt ở vị trí lưng bò lúc bò đứng ăn; Khoảng cách đặt quạt trong mỗi dãy chuồng là 10 m/cái.

+ Hệ thống phun sương: Sử dụng ống nhựa PVC f 21: Chiều cao hệ thống béc phun là 1.8 m. Sử dụng béc phun có đường kính tỏa sương là 1,7 m; Hạt sương phun ra chỉ đủ làm ướt thân bò chứ không làm ướt nền chuồng: Đặt ở vị trí lưng bò lúc bò đứng ăn; Khoảng cách lắp béc phun là 3,5 m/cái.

+ Trong thời gian từ 11 giờ đến 16 giờ trong ngày, hệ thống phun sương sẽ được bật cách nhau 30 phút, mỗi lần phun 5 phút. Quạt gió được bật chạy liên tục trong thời gian này. Vào những ngày trời mưa, hệ thống phun sương không được bật nhưng quạt gió vẫn được sử dụng.
Theo dõi và đánh giá các chỉ tiêu:

 

- Nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi tại các thời điểm 11, 12, 13, 14, 15 và 16 giờ trong ngày. Đo liên tục trong suốt thời gian thí nghiệm, mỗi tháng 2 lần vào 1 ngày cố định. Tính toán chỉ số THI ở các thời điểm trên. Thân nhiệt và nhịp thở của bò tại các thời điểm 11; 13 và 15 giờ trong ngày vào những ngày đo nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi.
 
 

- Sản xuất sữa (năng suất sữa hàng ngày, năng suất sữa tại đỉnh sữa, thời gian vắt sữa).

- Chất lượng sữa (chất khô, béo và đạm);

- Các chỉ tiêu sinh sản (thời gian lên giống lại sau sinh, hệ số phối đậu và khoảng cách 2 lứa đẻ).
 


2.4. Phương pháp

2.4.1. Bố trí thí nghiệm

Bảng 1: Bố trí thí nghiệm cải tiến tiểu khí hậu chuồng nuôi cho bò sữa
STT
Chỉ tiêu
ĐVT
Lô đối chứng
Lô thí nghiệm
1
Số hộ thí nghiệm
Hộ
2
2
2
Số bò thí nghiệm
Con
20
20
3
Yếu tố tác động
-
Không tác động
 

Quạt gió - phun sương


2.4.2. Phương pháp theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu

- Đo nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi bằng máy nhiệt ẩm kế điện tử:
- Chỉ số THI (Temperature Humidity Index) Frank Wiersma, 1990 được xác định theo công thức sau
THI = td - (0,55 - 0,55 x RH) x (td - 58)

Trong đó:
td: Nhiệt độ tính bằng độ F = 0C x 9/5
RH: ẩm độ
- Thân nhiệt của bò được đo bằng nhiệt kế đặt tại trực tràng:
- Nhịp thở của bò được xác định bằng cách quan sát lõm hông.
- Năng suất sữa được cân hàng ngày trên từng cá thể:
- Chất lượng sữa được phân tích theo TCVN;
- Các chỉ tiêu sinh sản được ghi chép cho từng cá thể.

2.4.3. Xử lý số liệu
So sánh số liệu trung bình của các chỉ tiêu giữa 2 lô theo phương pháp ANOVA yếu tố đơn trong phần mềm EXCEL.

 
3. Kết quả
 
3.1. ảnh hưởng của việc cải tiến tiểu khí hậu đến nhiệt độ, ẩm độ, THI và thân nhiệt, nhịp thở của bò sữa

* Nhiệt độ, ẩm độ và THI chuồng nuôi (Bảng 2)

Bảng 2: Nhiệt độ, ẩm độ và THI chuồng nuôi bò sữa của các lô thí nghiệm
Thời gian trong ngày
Nhiệt độ (0C)
ẩm độ (%)
THI
Lô đối chứng
Lô thí nghiệm
Lô đối chứng
Lô thí nghiệm
Lô đối chứng
Lô thí nghiệm
11 giờ
31,0
28,6
68,8
66,7
82,7
78,9
12 giờ
33,0
28,7
64,9
61,2
85
78,2
13 giờ
33,9
29,6
61,1
62,7
85,5
79,7
14 giờ
34,6
29,5
59,0
60,4
86,1
79,2
15 giờ
33,7
28,5
59,8
61,3
85
77,9
16 giờ
32,5
27,0
64,1
63,4
84,1
76,1
TB
33,1 ± 1,3
28,7 ± 0,9
63,0 ± 3,7
62,6 ± 2,3
84,7 ± 1,2
78,3 ± 1,3
SSTK
P < 0,01
NS
P < 0,01
 
Biểu đồ 1: Chỉ số THI các chuồng đối chứng và chuồng thí nghiệm


Bảng 2 cho thấy, lắp đặt hệ thống quạt và phun sương trong chuồng đã làm cho nhiệt độ giảm được 4,40C (P < 0,01). Nhiệt độ bình quân trong thời gian từ 11 giờ đến 16 giờ trong ngày là 28,70C và tương đối ổn định. ẩm độ có thay đổi nhưng cũng tương đối ổn định ở mức bình quân 62,6%. Như vậy, việc sử dụng hệ thống quạt gió - phun sương trong chuồng vừa giúp giảm nhiệt độ vừa giúp ổn định hai chỉ tiêu nhiệt độ và ẩm độ chuồng nuôi. Điều này sẽ làm cho bò sữa giảm được stress nhiệt.

Mặc dù không giảm được ẩm độ song việc giảm nhiệt độ đã làm cho chỉ số THI chuồng nuôi giảm từ 84,7 xuống còn 78,3 (P < 0,01). Mặc dù chưa thể đạt được mức không gây stress nhiệt song việc giảm THI từ mức stress nặng xuống còn stress nhẹ đã là một sự cải thiện quan trọng đối với đàn bò sữa có tỷ lệ máu HF cao. Mặt khác, sự ổn định nhiệt độ, ẩm độ trong chuồng nuôi cũng như việc phun sương trên thân bò sữa làm cho bò sữa thải nhiệt một cách dễ dàng hơn.

* Thân nhiệt và nhịp thở của bò (Bảng 3)
Thời gian trong ngày
Thân nhiệt (0C)
Nhịp thở (%)
Lô đối chứng
Lô thí nghiệm
Lô đối chứng
Lô thí nghiệm
11 giờ 00
38,26 ± 0,16
37,79 ± 0,10
62,47 ± 3,41
57,30 ± 3,46
13 giờ 00
39,39 ± 0,97
38,36 ± 0,17
68,37 ± 2,68
62,72 ± 2,82
15 giờ 00
38,57 ± 0,26
38,02 ± 0,12
64,72 ± 2,28
58,22 ± 4,70
Trung bình
38,74 ± 0,75
38,06 ± 0,27
65,19 ± 3,18
59,41 ± 4,37
Sai khác thống kê
NS
 
P < 0,05

Thân nhiệt của bò sữa ở các lô không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (P > 0,05) trong khi đó nhịp thở lại có sự khác nhau (P < 0,05) (Bảng 3). Bò sữa có chiều hướng giảm số lần thở trong 1 phút khi nhiệt độ giảm xuống: từ 65,19 lần/phút ở lô đối chứng xuống còn 59,41 lần/phút ở lô thí nghiệm. Kết quả này tương đối phù hợp với kết quả của Bucklin và ctv. (1991): Nếu có sử dụng hệ thống quạt gió - phun sương trong chuồng, thân nhiệt chỉ giảm khoảng 0,40C nhưng nhịp thở giảm đến khoảng 10 lần/phút.

Bản thân bò sữa tự điều hòa thân nhiệt cơ thể thông qua sự thoát hơi nước qua da và sự hô hấp. Như vậy, trong điều kiện chuồng trại nóng, bò sữa sẽ thở nhiều hơn để duy trì thân nhiệt. Tuy nhiên, quá trình điều hoà thân nhiệt thông qua quá trình thải nhiệt sẽ làm tiêu hao một lượng năng lượng của bò sữa. Do đó, nguồn năng lượng đúng ra được sử dụng cho duy trì và sản xuất sữa đã bị mất đi một phần, từ đó làm giảm khả năng sản xuất sữa. Nếu tiểu khí hậu chuồng nuôi được cải tiến, nhiệt độ chuồng nuôi giảm, bò sữa không bị mất nhiều năng lượng cho quá trình thải nhiệt thì khả năng tiết sữa sẽ cao hơn.

 
3.2. ảnh hưởng của việc cải tiến tiểu khí hậu chuồng nuôi đến khả năng sản xuất và sinh sản của bò sữa

 
* Khả năng sản xuất sữa (bảng 4)
 
Kết quả bảng 4 cho thấy có sự sai khác đối với khả năng sản xuất sữa (năng suất sữa hàng ngày, năng suất sữa tại đỉnh sữa và sản lượng sữa cả chu kỳ) của bò ở lô thí nghiệm so với lô đối chứng (P < 0,05). Năng suất sữa bình quân hàng ngày tăng lên 0,7 kg/con/ngày (5%) ở lô có áp dụng giải pháp cải tiến tiểu khí hậu chuồng nuôi so với lô đối chứng. Đặc biệt, năng suất sữa tại đỉnh sữa đã tăng khoảng 2 kg/con/ngày. Từ đó, sản lượng sữa cả chu kỳ cũng có sự gia tăng đáng kể: 5.002 kg ở các lô thí nghiệm so với 4.483 kg ở lô đối chứng. Chất lượng sữa (chất khô, béo và đạm) không có sự sai khác giữa các lô thí nghiệm (P > 0,05).

Bảng 4: Năng suất và chất lượng sữa của bò ở các lô thí nghiệm
STT
Chỉ tiêu
Đơn vị tính
Lô đối chứng
Lô tiểu khí hậu
          1           
Số bò thí nghiệm
Con
20
20
          2           
Lứa đẻ
Lứa
2,05 ±0,69
2,05 ±0,60
          3           
Thời gian vắt sữa
Ngày
298,6 ±22,1
317,8 ±23,7
          4           
Sản lượng sữa chu kỳ
Kg/con
4.483a ±425
5.002b ±558
          5           
Năng suất sữa hàng ngày
Kg/con
15,01a ±0,68
15,72b ±1,05
          6           
Năng suất sữa lúc đỉnh sữa
Kg
21,94a ± 1,59
23,86b ±3,48
          7           
Chất khô sữa
%
11,38 ±0,54
12,07 ±0,69
          8           
Béo trong sữa
%
3,38 ±0,45
3,75 ±0,24
          9           
Đạm trong sữa
%
3,17 ±0,18
3,40 ±0,24
 
* Các số trong cùng một hàng có chữ cái khác nhau thì sai khác có ý nghĩa thống kê với P < 0,05

Theo Johnson, 1992 cứ tăng 1 đơn vị THI thì năng suất sữa sẽ giảm 0,26 kg/ngày. Trong thí nghiệm này, giảm được 6,4 đơn vị THI mà năng suất sữa chỉ tăng được 0,7 kg nghĩa là cứ giảm mỗi đơn vị THI thì chỉ tăng được 0,11 kg sữa. Bucklin và ctv. (1991) cho kết quả về mức gia tăng năng suất sữa khi sử dụng hệ thống quạt gió - phun sương trong chuồng là 7,1 đến 15,8% tùy thuộc các nước khác nhau. Trong khi đó, trong thí nghiệm này năng suất sữa chỉ tăng được 5%. Mặc dù sự cải thiện về năng suất sữa là không đáng kể so với một số nghiên cứu khác song đây cũng là một giải pháp quan trọng góp phần nâng cao sản lượng sữa cho đàn bò của chúng ta.

 
* Khả năng sinh sản (bảng 5)

Bảng 5: Một số chỉ tiêu sinh sản của bò sữa ở các lô thí nghiệm
STT
Chỉ tiêu
Đơn vị tính
Lô đối chứng
Lô tiểu khí hậu
1
Số bò thí nghiệm
Con
20
20
2
KC đẻ đến động dục lại
Ngày
111a ± 22
88b ± 12
3
Hệ số phối đậu
Lần
2,2a ± 0,8
1,7b ± 0,6
4
Khoảng cách 2 lứa đẻ
Ngày
440a ± 52
405b ± 23
 
* Các số trong cùng một hàng có chữ cái khác nhau thì sai khác có ý nghĩa thống kê P < 0,05

Tương tự khả năng sản xuất sữa, các chỉ tiêu sinh sản của bò sữa cũng đã có sự cải thiện đáng kể khi áp dụng các giải pháp về tiểu khí hậu chuồng nuôi. Khoảng cách từ đẻ đến động dục lại, hệ số phối đậu ở lô thí nghiệm thấp hơn so với lô đối chứng (P < 0,05). Từ đó, khoảng cách giữa 2 lứa đẻ đã rút ngắn được 35 ngày (Bảng 5).

Cartmill và ctv. (2001) tổng kết rằng khi chỉ số THI từ 72 trở lên thì tỷ lệ thụ thai sẽ thấp đi. Tương tự, Ingraham va ctv. (1976) cho kết quả là khi chỉ số THI tăng từ 68 lên 78 vào 2 ngày trước khi phối giống thì tỷ lệ thụ thai sẽ giảm từ 66 xuống còn 35%. Khi thân nhiệt khoảng 400C do nhiệt độ môi trường lên khoảng 32,20C trong 72 giờ sau khi gieo tinh thì tỷ lệ đậu thai sẽ bằng 0% so với 48% khi thân nhiệt là 38,50C và nhiệt độ môi trường là 21,10C (U 1berg and Burfening, 1967). Như vậy, lắp đặt hệ thống quạt gió - phun sương đã cải thiện đáng kể khả năng sinh sản của đàn bò sữa.

 
4. Kết luận

Sử dụng hệ thống quạt gió - phun sương trong chuồng với công suất quạt mạnh (1,5 KW) và hạt sương nhỏ làm giảm được nhiệt độ chuồng nuôi (33,10C xuống còn 28,70C) nhưng không làm tăng ẩm độ, từ đó THI giảm (84,7 xuống còn 78,3) và làm giảm stress nhiệt cho đàn bò từ mức nặng xuống còn mức nhẹ. Khả năng sản xuất và sinh sản của đàn bò sữa được cải thiện đáng kể. Năng suất sữa tăng được khoảng 5% khoảng cách 2 lứa đẻ giảm được 35 ngày. Đề nghị các trại chăn nuôi bò sữa nên áp dụng kỹ thuật này để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò sữa.
 
 
 
Đoàn Đức Vũ, Phạm Hồ Hải, Nguyễn Huy Tuấn (Viện KHKT NN miền Nam)


Nguồn: Dairyvietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác