Vì sao cây sắn được giá? Theo các chuyên gia, trước đây, Trung Quốc và Thái Lan là hai nước có diện tích trồng sắn lớn nhất châu Á và cung cấp phần lớn bột sắn cho thế giới. Sau nhiều năm canh tác loại cây này, đất đai bạc màu, chai cứng và bị sa mạc hoá không thể trồng các loại cây khác. Chính phủ hai nước này đã có nhiều biện pháp khuyến cáo và cấm người dân không được trồng sắn để giữ nguồn tài nguyên đất. Từ khi Trung Quốc và Thái Lan không cho phép trồng sắn, giá bột sắn trên thị trường thế giới tăng vọt gấp 2, rồi 3 lần. Các nhà đầu tư đã nhắm đến Việt Nam để mở rộng và tăng tốc phát triển cây sắn. Mấy năm gần đây, diện tích cây sắn được trồng ở các địa phương đang tăng nhanh. Có những khu vực diện tích trồng sắn đang tăng theo cấp số nhân.
Ở Nghệ An, một số huyện như Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp... cây sắn đã phát triển với tốc độ cực nhanh, có nhiều nơi người dân đã tự ý phá bỏ nhiều loại cây như mía, chè để trồng sắn. Còn ở các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Trị... cây sắn cũng phát triển rất nhanh, mà theo các nhà quản lý thì nó lan nhanh đến mức khó kiểm soát. Không ít nơi, nông dân đã phá bỏ rừng để trồng sắn. Hầu hết người dân trồng sắn ở các địa phương trên cả nước đều ở vùng sâu, vùng xa. Họ chưa nhận thức được tác hại của nó, nhất là loại sắn cao sản đang trồng hiện nay.
Cây sắn ngày càng được nông dân “ưu ái” phát triển
Tại Thừa Thiên Huế, tính từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn ra đời đến nay, diện tích trồng sắn đã tăng gấp ba lần, từ 2.159 ha (năm 2004) lên 7.200 ha; trong đó diện tích sắn công nghiệp khoảng 5.400-5.500 ha. Năm 2010, diện tích sắn công nghiệp được trồng 5.552 ha, tăng 426 ha so năm 2009. Khả năng diện tích sắn sẽ tăng nhanh trong năm nay và các năm tới, khi nông dân một số địa phương đã đưa một phần diện tích trồng rừng và tận dụng cả đất chưa sử dụng tại khu công nghiệp vào trồng sắn...
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, cây sắn càng được giá hơn khi đề án phát triển nhiên liệu sinh học được triển khai thực hiện, trong đó nguyên liệu chính để sản xuất ethanol và dầu sinh học lại là... sắn. Theo đề án, năm 2012 nhu cầu ethanol là 300 triệu lít, đến năm 2015 là 457 triệu lít, và năm 2025 là 1 tỷ lít. Từ đó, nguy cơ mở rộng diện tích trồng sắn ngày càng lớn và ồ ạt hơn.
Năm 2010, diện tích trồng sắn tăng 426 ha so với năm 2009
Không ai phủ nhận lợi ích của cây sắn. Tuy nhiên, phát triển diện tích trồng sắn lớn sẽ là tác nhân gây nên tình trạng sa mạc hóa tài nguyên đất, xói mòn, lũ lụt cục bộ ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến tinh bột sắn cũng tác động rất lớn đến môi trường sinh thái, nhất là làm ô nhiễm nguồn nước và không khí. Chỉ sau 3-4 năm trồng sắn liên tiếp thì cây sắn cũng cằn cỗi dần và khó phát triển. Các loại cây khác cũng không thể sống được trên khu vực đất đã trồng sắn lâu năm. Theo các nhà khoa học, rễ cây sắn lấy các chất hữu cơ trong đất và thải ra một loại a-xít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất và hủy diệt các vi sinh vật có lợi cho cây trồng... Do vậy, cần phát triển có kiểm soát diện tích trồng sắn; đặc biệt là cây sắn công nghiệp. Đã đến lúc các địa phương cần qui hoạch ổn định vùng nguyên liệu sắn, không mở thêm nhà máy chế biến tinh bột sắn; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thấy rõ tác hại của “hậu” cây sắn.
Được biết, định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế trong năm 2011 và những năm tới đối với cây sắn công nghiệp là ổn định diện tích trồng sắn hiện có, tăng sản lượng theo hướng thâm canh tăng năng suất để sản xuất sắn có hiệu quả cao và bền vững. Khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng sắn xen lạc, xen keo... Chuyển đổi diện tích trồng sắn địa phương sang trồng sắn công nghiệp để tăng sản lượng sắn và có kế hoạch mở rộng diện tích sắn giống NA1 trên toàn tỉnh. Kế hoạch và định hướng là vậy, nhưng thực tế do hiệu quả và lợi ích trước mắt nên nông dân nhiều địa phương đã mở rộng diện tích trồng sắn lên khá nhiều so với con số kế hoạch.