Giải pháp cho hộ nông dân

“Trung thành” với bò sữa để làm giàu

Người chăn nuôi bò sữa hiện đang gặp không ít khó khăn do thức ăn gia súc liên tục tăng cao. Nhưng, với ông Nguyễn Văn Chùi (Chín Chùi) ở ấp 1, xã Khánh Bình, Tân Uyên thì lại khác. Bao năm nay, ông vẫn một mực trung thành với con bò sữa, làm giàu từ con bò sữa. Hiện tại, nếu tính giá bò sữa mỗi con khoảng 10 triệu đồng, trong tay ông cũng đã có trên 1 tỷ đồng, chưa tính tài sản khác.

Thành công nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi

Tuy không rành chăn nuôi, nhưng nhìn trại bò sữa của ông Chín, tôi vẫn có được cảm giác thích thú. Hơn 2 ha đất đồng ruộng được trồng đủ các loại cỏ, xanh mượt. Bên trong trang trại, gần 100 con bò sữa mập mạp, tràn đầy sức sống. Tùy theo loại bò, độ tuổi, chúng được bấm tai đeo số, được phân ra thành từng ô riêng biệt, thể hiện một cách nuôi chuyên nghiệp.

Ông Chín đến với nghề nuôi bò sữa từ năm 1995, đó cũng là thời hoàng kim của bò sữa. Lúc ấy, gia đình nào có khoảng 10 con bò sữa, có thể coi là khá giả, cho thu trên 100.000 đồng/ngày, nuôi sống cả gia đình. Ông Chín cho biết, lúc ấy người ta thường quy bò ra vàng, mỗi con như vậy là 4 hay 5 cây, giá trị lắm. Ông ao ước từ rất lâu mới mua được 4 con giống ở Hóc Môn, TP.HCM. Bò tơ chưa cho sữa, chỉ mới mang bầu 7 tháng, vậy mà giá mỗi con 25 triệu đồng. Đó là số tiền lớn sau bao năm tích góp, cộng với vay mượn ngân hàng mới có.

Những ngày đầu tiên, ông Chín cũng lao đao với con bò sữa lắm. Vì theo cách tính khá chu đáo của ông trước đó, chỉ mua về hơn 2 tháng là ông sẽ có thêm 4 con bê, giá bê cái mỗi con từ 7 - 8 triệu đồng, sẽ vớt vát được chút đỉnh để trả ngân hàng khi mà bò chưa cho sữa. Nhưng rồi, cách tính ấy đành phá sản khi bò của ông sinh ra toàn bê đực, mà giá bê đực chỉ bằng 1/3 bê cái. Đùng một cái, giá sữa xuống thấp, nên thu nhập cả 4 con bò chẳng được bao nhiêu. Nhưng được nuôi bò sữa là niềm đam mê của ông từ thời trai trẻ, ông không đành lòng chịu thua. Ông đã vay mượn thêm bạn bè khắp nơi, tăng cường chăn nuôi heo để trả nợ, vậy rồi dần dần đã giữ lại được bò và tiếp tục nhân rộng.

Khoảng năm 2002-2005, người chăn nuôi bò sữa hết sức lao đao vì giá sữa quá thấp, đàn bò sữa gồm mười mấy hộ chăn nuôi ở Khánh Bình cũng lần lượt bị bán sạch vì thua lỗ. Nhưng, đàn bò của ông Chín thì vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở, điều đó đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Chín lý giải: “Chăn nuôi bò sữa quả thật là gặp không ít khó khăn, muốn trụ được thì phải có niềm đam mê như những nghề khác vậy. Theo tôi thì dù giá sữa đã có lúc xuống rất thấp, nhưng tính ra người chăn nuôi vẫn còn lãi khoảng 1/3, bò chỉ ăn 2 phần. Cái chính là mình phải biết tính toán kỹ lưỡng trong các khâu chăm sóc để lấy công làm lời, đừng nên “bốc lột” con bò quá mức”. Từ chỗ hiểu được giá trị con bò, có không ít lúc ông đã chạy vạy từ những nguồn thu nhập khác để đắp vào, để rồi khi đã có trong tay một số lượng bò lớn, ông đã tìm ra một cách nuôi bài bản, có thu nhập và đảm bảo sức khỏe tốt cho bò. Hiện tại, ông luôn giữ mức ổn định 75 con bò cho sữa để bảo đảm nguồn cỏ vừa đủ cung cấp. Trong số đó ông chia ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm 25 con. Vì theo quy trình, luôn có một nhóm nằm trong giai đoạn cai sữa trước và sau khi sinh sản, một nhóm luôn cho sữa ổn định với cường độ cao, và một nhóm cho sữa ở mức trung bình (Vì có lúc bệnh đau, trở trời và dùng dự phòng cho nhóm chính. Nhờ có cách làm bài bản như thế, nên bò của ông luôn khỏe mạnh, cho sữa đạt chất lượng. Trung bình mỗi tháng, ông thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn thu về từ nguồn bán bê con, trung bình mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Ngoài việc phân nhóm, chế độ dinh dưỡng của bò là hết sức quan trọng, luôn được ông Chín quan tâm đúng mức. Phải đảm bảo lượng thức ăn 30kg/con/ngày là tương đối. Lượng thức ăn này bao gồm cám, cỏ, hèm, vỏ lụa củ mì… không nên cho bò ăn quá nhiều cỏ voi, vì nguồn thức ăn này sẽ cho nhiều sữa, nhưng sữa sẽ bị chua, không đạt chất lượng. Sau khi hút sữa bằng máy, phải lấy tay xoa bóp bầu sữa, đầu vú thì vú bò sẽ không bị viêm.

Vươn lên từ nghèo khó

Nhắc đến tên ông, những người lớn tuổi trong vùng ai cũng biết, vì ông đã có một thời sống dưới mức nghèo khổ. Những năm đất nước còn khó khăn, ông chín có đến 11 người con. Đứa lớn vừa đi chập chững thì đứa nhỏ ra đời. Cả gia đình luôn sống trong cái đói. Ông Chín nhớ lại chuyện xưa với giọng bùi ngùi: “Mỗi khi có dịp nhắc lại tôi cảm thấy rùng mình. Nói không ai tin chứ hồi đó mỗi bữa ăn cả gia đình chỉ có nửa lon gạo nấu với một rổ lá khoai lang, khi ăn vào chỉ hơi cảm nhận có chất hồ. Vậy mà cả một thời gian dài chúng tôi phải sống như thế, trồng rau lang chỉ kịp ăn lá. Một phần vì thiếu ăn, lao động lại quá sức nên thân hình tôi như một con nộm, không đủ sức sống. Hồi đó công việc duy nhất kiếm được khá tiền là đi xắt thuốc mướn ăn sản phẩm. Cứ đến vụ tôi ham hố làm từ sáng cho đến tối, có khi người rủn ra vì không còn sức. Có người khuyên tôi nên làm ít lại vì sợ sức khỏe tôi yếu sẽ gặp chuyện chẳng lành, nhưng vì quá khổ, tôi đành bỏ ngoài tai. Những kỷ niệm ấy cho đến khi nhắm mắt tôi cũng không thể nào quên. Vậy mà nhờ trời thương, mọi chuyện rồi cũng qua hết. Nói thật, nhờ con gà trống của thằng con thứ 5 mà tôi mới có được cơ ngơi này”. Chuyện là có một con gà nhà ủ rủ sắp chết bị người khác vứt bỏ bên lề đường nên con của ông đã lượm về nuôi. Không ngờ con gà nhỏ nhoi ấy lại nhanh chóng mạnh khỏe, to lớn như thổi. Trong thân tâm, ông Chín rất muốn làm thịt con gà để cả gia đình được ăn ngon một bữa. Nhưng nhiều ngày suy đi tính lại, ông đành đem bán con gà đó rồi bù thêm chút đỉnh tiền mua một con heo mọi của những người bán dạo làm vốn. Nhờ con heo đó mà gia đình ông lại bén duyên với nghề chăn nuôi. Bán heo nhỏ mua heo lớn, rồi nhân rộng ra thành bầy đàn, lúc nào trong chuồng cũng có mấy chục con heo thịt.

Biết chịu khó làm ăn, không ngừng tìm tòi học hỏi để đi đến thành công, đó là phẩm chất tốt đẹp của ông Chín, được nhiều người trong xã yêu mến. Ngoài việc vượt khó làm giàu cho bản thân, ông còn thể hiện rõ tình đoàn kết xóm làng bằng những việc làm cụ thể. Đầu năm nay, ông đã bỏ ra gần 100 triệu đồng cải tạo con đường hẻm thành đường đá rộng lớn dẫn vào ấp 1, tạo sự mỹ quan xóm làng, giao thông thuận lợi. Ông xứng đáng là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của xã.



QUANG TÁM (Báo Bình Dương)

Nguồn: greenvet.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác