Giải pháp cho hộ nông dân
Trồng ngô lấy thân cây thu lãi lớn
"Thủ phủ ngô" đầm đìa trong nợ
Ông Lò Văn Thắm ở bản Tà Làng Thấp, xã Tú Nang (huyện Yên Châu) vẫn còn nhớ như in vụ thu hoạch ngô tháng 9 năm ngoái. Ông kể rằng, gia đình có hơn 3 mẫu ngô. Đến vụ thu hoạch, ông cùng vợ và ba đứa con phải hì hục phát cây, phát cỏ. Cây ngô chất thành những đống lớn mà chẳng thu được bắp nào. 3 tháng trời bỏ phân bón, giống má, công cán vào đó giờ bỗng thành… công cốc. Cây ngô có đơm hoa nhưng không cho người chủ được bắp ngô nào ra hồn.
Chúng tôi lên nương mới cảm nhận hết được nỗi mất mát to lớn của người trồng ngô. Những nương ngô lúp xúp bên triền đồi kéo dài như tới tận chân trời từng là niềm tự hào của người dân Yên Châu. Khi tiến lại gần cây nào cũng thấp tè. Xác ngô tong teo phất phơ theo gió. Cây nào có bắp thì cũng nhỏ tẹo như cái chuôi liềm. Ông Thắm buồn. Cái buồn của ông cũng là nỗi niềm chung của nông dân cả vựa ngô Yên Châu, Mộc Châu… “Nếu như mọi năm anh đến nhà tôi chẳng có chỗ mà ngồi, vì ngô chất đầy lên tới nóc nhà”, ông Thắm thở dài nhớ lại.
Chị Hoàng Thị Môn ở tiểu khu nông trường 3, thị trấn nông trường Mộc Châu vẫn còn giữ lại mấy cái bắp ngô héo khô từ năm ngoái, bóc thử cho tôi xem, chị nói rằng tất thảy ngô ở đây năm ngoái đều như thế, chẳng bắp nào có hạt. “Chặt cả 1ha ngô mà chẳng thu nổi vài chục cân. Họa chăng hay chớ mới có bắp có hạt”, chị Môn nói. Vụ vừa rồi nhà chị gieo gần 20kg giống. Nếu như mưa thuận gió hòa, chị thu được khoảng 7-8 tấn ngô. Ấy thế mà từ đầu vụ đến nay chỉ thu được ngót nghét vài tạ ngô lép.
Ngô là cây trồng chủ lực của các xã vùng cao Sơn La. Từ lâu nó được coi là cây xóa đói cho bà con. Tuy nhiên vì quá phụ thuộc vào cây ngô nên mất mùa ngô đồng nghĩa với việc cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng. Trưởng bản Tà Làng Thấp, ông Vì Văn Sáy, cho biết, bản không có ruộng, nguồn thu nhập chính của người dân là cây ngô. Cuộc sống của bà con vốn khốn khó, giờ càng bi đát hơn. “Nhiều hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư phân bón, giống, nay đều chưa trả được nợ. Đã thế, họ lại phải lo cuộc sống hằng ngày nên càng thêm vất vả”, ông Sáy cho hay.
Theo thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu, vụ xuân hè năm ngoái toàn huyện gieo trồng hơn 1 nghìn ha ngô. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, có 600ha ngô mất trắng, số diện tích còn lại thiệt hại từ 30-70%. Đây là vụ mất mùa nặng nhất trong mấy năm gầy đây. Điều đáng lo hơn cả là hơn 1 nghìn hộ nghèo bị ảnh hưởng.
Trồng ngô thu cây - Mô hình mới
Sơn La không chỉ là vựa ngô của miền Bắc, nơi đây còn nổi tiếng về chăn nuôi bò sữa. Xuất phát từ mục đích phát triển ngành này và để giảm thiểu rủi ro cho người trồng ngô, từ đầu năm nay, một số hộ chăn nuôi tại huyện Mộc Châu đã hợp đồng với hộ trồng ngô quanh vùng để trồng ngô lấy thân cây làm thức ăn dự trữ cho đàn bò sữa.
Ông Đào Văn Đệ, Chủ tịch UBND thị trấn nông trường Mộc Châu, cho biết, diện tích canh tác của thị trấn hơn 400ha, trong đó chủ yếu là trồng ngô và một phần trồng mận, nay đã được các hộ chăn nuôi và trồng trọt hợp đồng “bao tiêu” sản phẩm cho nhau. Cụ thể là các hộ chăn nuôi bò sữa cam kết tiêu thụ toàn bộ thân cây ngô ở giai đoạn đông sữa đối với các hộ trồng ngô. Theo đó, nông dân trồng ngô sẽ được thu mua thân cây với giá khoảng 40-45 triệu đồng/ha, cao hơn ít nhất 50% so với thu hoạch ngô lấy hạt. “Với cách làm này, mỗi năm, diện tích canh tác sẽ quay vòng được 3 vụ, thay vì tối đa 2 vụ ngô hạt như trước đây. Ngoài ra, nông dân sẽ không phải lo lắng chuyện thu hoạch, bảo quản ngô hạt cũng như sự thất thường của thời tiết”, ông Đệ cho biết.
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2015 đã được UBND huyện Mộc Châu phê duyệt, tổng đàn bò sữa của toàn huyện, bao gồm cả đàn bò của Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu và đàn bò nuôi trong dân, sẽ tăng từ gần 10 nghìn con hiện nay lên khoảng 15 nghìn con. Với số lượng này, để giải quyết thức ăn chăn nuôi cho đàn bò là vấn đề nan giải. Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu cho biết, cây ngô đến giai đoạn hạt đông sữa, với lợi thế hàm lượng dinh dưỡng cao, được trồng quanh năm trên cao nguyên này, là nguồn thức ăn bổ dưỡng đối với bò sữa. Hiện Cty đã hợp đồng với nông dân quanh vùng được gần 700ha, mỗi ha thu hoạch khoảng 45 tấn thân cây, đáp ứng khoảng 50-60% lượng thức ăn cho đàn bò, đặc biệt là thức ăn mùa lạnh, khi thân và bắp ngô đông sữa đã được ủ chua để dự trữ.
Việc trồng ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi đang mang lại hiệu quả hơn nhiều so với lấy hạt. Và huyện Mộc Châu đang là điểm để Sơn La có thể nhân rộng cách làm này sang các địa bàn lân cận.