Giải pháp cho hộ nông dân

Thúc đẩy áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa

“1ha lúa giỏi lắm mỗi năm trồng 2 vụ chỉ thu hoạch được 10 tấn thóc, nhưng nếu trồng cỏ thì nuôi được 5 con bò sữa, cho 30 tấn sữa/năm. Giá sữa cao hơn giá lúa, sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Vậy tại sao chúng ta cứ phải trồng nhiều lúa để chật vật tiêu thụ, trong khi mỗi năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn sữa?”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đặt câu hỏi.

Ông có thể phác họa đôi nét về ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam?

So với thế giới, ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta vẫn còn non trẻ, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, trong vòng 1 thập kỷ qua, số lượng đàn bò sữa của cả nước đã tăng gấp 4 lần, sản lượng sữa tăng gấp 5 lần. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 20 quốc gia nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới, mỗi năm nhập 1,2 triệu tấn sữa các loại. Giá thu mua sữa bò tươi đang dao động trong khoảng 12.000-14.000 đồng/lít nên khuyến khích người chăn nuôi đầu tư phát triển bò sữa. Nhu cầu về sữa tươi trong nước tăng cao, đây là cơ hội tốt để phát triển nhanh hơn đàn bò sữa. 

Năm 2001, tổng đàn bò sữa của cả nước mới chỉ có 41.000 con, cho 64.000 tấn sữa. Đến năm 2013, tổng đàn bò sữa đã đạt trên 174.000 con, sản lượng sữa ước đạt hơn 400.000 tấn. Những địa phương có đàn bò sữa lớn nhất gồm: TP. Hồ Chí Minh 84.875 con, Nghệ An 28.187 con, Sơn La 12.830 con, Hà Nội 10.782 con, Long An 7.154 con, Lâm Đồng 5.971 con, Sóc Trăng 4.186 con, Tuyên Quang 2.763 con, Vĩnh Phúc 2.730 con... 

Chăn nuôi bò sữa ở nước ta chủ yếu vẫn theo quy mô nông hộ, năng suất thấp. Hiện, có trên 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình 5,3 con/hộ. Cả nước mới có 384 hộ gia đình và công ty chăn nuôi quy mô đàn từ 20 con trở lên (chiếm 1,95%). Bình quân sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước trên đầu người hiện nay là 4,2kg/năm, đáp ứng 26% lượng sữa tiêu dùng hàng năm. 

Ngành chăn nuôi bò sữa đang có những thuận lợi và trở ngại gì, thưa ông?

Chăn nuôi bò sữa đang có nhiều thuận lợi. Những năm qua, hàng chục nghìn con bò HF cao sản từ Australia, New Zealand, Mỹ… đã được nhập về Việt Nam. Các dự án đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn, giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ và kỹ thuật. Công nghệ chế biến sữa của Việt Nam hiện nay khá phát triển, đứng đầu Đông Nam Á với nhiều nhà máy chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như Vinamilk, TH true milk, Mộc Châu milk, Sữa quốc tế IDP… Các công ty này đều xây dựng được thương hiệu sản phẩm sữa mạnh nổi tiếng ở châu Á. Chăn nuôi bò sữa cho tỷ suất sinh lợi cao. 

Tuy nhiên, do là nghề mới nên năng suất, chất lượng sữa của Việt Nam chưa cao. Năng suất sữa bình quân cả nước mới đạt 4.034 kg/con bò/năm, trong khi bình quân thế giới hiện đạt 7.620 kg/con bò/năm. Bài toán nan giải nhất đối với chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam là thiếu thức ăn thô xanh. Đất dành cho trồng cỏ chăn nuôi bò sữa thiếu trầm trọng, trong khi nông dân chủ yếu chăn thả bò trên những bãi cỏ tự nhiên, chất lượng cỏ rất kém. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện chúng ta mới đáp ứng được 6,3% thức ăn xanh, còn lại 93,7% là tận dụng và nhập khẩu. 

Đàn bò sữa ở nước ta đang có hội chứng bệnh thiếu dinh dưỡng, vì cho bò ăn không đủ chất, kéo theo buồng trứng kém phát triển khiến bò không sinh sản được, nhất là từ lứa thứ hai trở đi. Chính vì vậy, nhiều nơi người ta tự động mua hoóc môn kích dục sinh sản để tiêm cho bò. Hiệu quả cao nên hiện nay có quá nhiều người lạm dụng phương pháp này, dẫn đến bê con đẻ ra còi cọc, chất lượng đàn giống ngày càng suy thoái. Điều đáng lo ngại là chất lượng sữa của chúng ta ngày càng đáng báo động. 

Bò sữa không phải là con vật xóa đói giảm nghèo, mà là con vật để làm giàu, nên đòi hỏi nông dân phải có vốn lớn, đầu tư bài bản.

Việc sản xuất sữa sạch đâu đó vẫn có hộ làm tốt nhưng phần lớn đều không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, việc sử dụng hoóc môn tiêm kích dục sinh sản cho bò dẫn đến lượng hoóc môn tồn dư trong sữa cao, trẻ em sử dụng lâu dài loại sữa này sẽ bị hội chứng phát triển sớm. Đây là điều mà ngành sữa phải quan tâm giải quyết.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, nhưng nông dân chưa được hưởng lợi nhiều. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa quy mô lớn từ 500 con trở lên, theo đó cứ mỗi con bò giống cao sản nhập khẩu được hỗ trợ 10 triệu đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp lớn có điều kiện đầu tư con giống tốt. Trong khi nông dân thua thiệt vì họ không được hưởng chính sách này, chỉ dám nuôi con giống lai chi phí vốn đầu tư thấp, năng suất thấp, sẽ không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp lớn. Bò sữa không phải là con vật xóa đói giảm nghèo, mà là con vật để làm giàu, nên đòi hỏi nông dân phải có vốn lớn, đầu tư bài bản. Vì vậy, cần phải có chính sách thiết thực hơn hỗ trợ hộ nông dân tăng số lượng đàn bò, tiếp cận với bò giống cao sản ngoại nhập. Hiện, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang trình Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ cho nông dân vay để chăn nuôi bò từ 30-50 triệu đồng với lãi suất 0% trong vòng 24 tháng. 

Cục Chăn nuôi có giải pháp gì để thúc đẩy chăn nuôi bò sữa, thưa ông?

Nếu cứ chăn nuôi theo hình thức chăn thả trên những bãi cỏ tự nhiên như hiện nay thì lợi nhuận từ bò sữa sẽ không cao. Vì vậy, Cục Chăn nuôi đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cho chuyển 200.000ha đất lúa sang trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Mục tiêu đến năm 2020, tổng đàn bò sữa đạt 500.000 con, sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn. 

Để thực hiện mục tiêu này, cần thúc đẩy áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa, đặc biệt là công nghệ trong vấn đề giống và sinh sản, tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sữa. Cần phải chọn lọc, loại thải những con bò sữa năng suất thấp, sinh sản kém, chất lượng giống xấu, từng bước tăng quy mô đàn trong mỗi hộ gia đình. Như ở Hà Lan, mỗi hộ đều nuôi ít nhất 50-100 con, nhưng tại Việt Nam quy mô trung bình chỉ 5,3 con/hộ. Với quy mô nuôi thấp như vậy, thu nhập của mỗi hộ chăn nuôi bò sữa không thể cao. Chiến lược phát triển ngành sữa đến năm 2020 đặt mục tiêu giảm những hộ có quy mô đàn dưới 5 con, đưa quy mô chăn nuôi bình quân mỗi hộ lên 10-15 con. Để có cơ cấu giá thu mua sữa khách quan cho người chăn nuôi và cả nhà máy chế biến đảm bảo lợi nhuận công bằng, Cục Chăn nuôi đang đề xuất cho thành lập Ủy ban Sữa quốc gia, bao gồm đại diện người sản xuất sữa, nhà chế biến, hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan của Chính phủ. Đồng thời hoàn thiện hệ thống thu mua sữa tại các tỉnh, thành phố. 

Xin chân thành cảm ơn ông!

CHU KHÔI

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác