Giải pháp cho hộ nông dân
Thu nhập cao từ mô hình vườn – ao kết hợp nuôi bò sữa
“Bây giờ ruộng thuê ở trong thôn để trồng cỏ voi không dễ như trước nữa, vừa đắt vừa khó tìm được người cho thuê nên tôi phải sang tận xã bên để thuê ruộng trồng. Thậm chí ruộng đang thuê bây giờ họ cũng đang có ý đòi lại. Nuôi đàn bò hơn chục con, không có ruộng trồng cỏ thì nguy lắm”.
Đi thăm đàn bò, kể từ bò đang cho khai thác sữa tới bê con có tất cả 11 con. Chỉ từng con bò, chị Ly cho biết có 4 con đang cho khai thác sữa. Lúc cao điểm, con cho sữa nhiều nhất được 33 – 34 kg sữa/ngày, 3 con còn lại cho gần 30 kg sữa/con/ngày. Đây là loạt bò mới được vợ chồng chị tuyển chọn lại, vì thế dù đang khai thác ở giai đoạn cuối chu kỳ vẫn được bình quân 15 kg sữa/con/ngày. Với giá bán sữa bò hai năm nay duy trì 10 – 12 nghìn đồng/kg thì mỗi ngày gia đình chị có trên 600 nghìn đồng từ tiền bán sữa bò, lúc bò mới cho khai thác sữa thì thu nhập trên 1,2 triệu đồng/ngày. Đó cũng là lý do mà hai dãy chuồng phục vụ chăn nuôi lợn khép kín từ lợn nái đến nuôi lợn thịt, vợ chồng chị đã để trống, thay vào đó là nơi nhốt bò, để thức ăn và các trang thiết bị phục vụ nuôi bò sữa. Không chỉ chiếm ưu thế về lợi ích kinh tế mà theo chị Ly thì nuôi bò sữa hiệu quả hơn nuôi lợn bởi bò sữa ít bị nhiễm dịch bệnh hơn, hàng năm lại được Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Nhận thấy những ưu thế của chăn nuôi bò sữa, năm 2010 có 5 con bò đẻ được 5 con bê, cái vợ chồng chị để lại toàn bộ nuôi, tháng 12.2010 tiếp tục mua thêm một con bê cái nữa. Hỏi về kinh nghiệm để nuôi bò sữa năng suất sữa cao, chị Ly vui vẻ cho biết: “Bên cạnh chọn giống tốt thì thức ăn cho bò sữa cần đầy đủ dinh dưỡng, chất khoáng, bảo đảm định lượng. Chuồng nuôi phải luôn sạch sẽ, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, thoáng khí. Công tác vệ sinh, phòng bệnh cần được quan tâm thường xuyên. Còn nhớ năm 2003 mới nuôi bò sữa, lượng sữa bò khai thác được không cao do mình chưa biết cách chọn bò giống, trong khi đó đầu tư cho bò sữa lại quá thiếu so với yêu cầu, nhất là về chế độ dinh dưỡng”.
Trong khuôn viên trang trại rộng 1,5 mẫu, ngoài dãy chuồng nuôi nhốt bò sữa, gia đình chị Ly quy hoạch 2 ao rộng 1 mẫu, còn lại là đất trồng nhãn và cỏ voi. Chất thải từ bò sữa được xử lý qua hầm khí bi – ô – ga, lấy nhiên liệu đun đốt, thắp sáng; lấy nguồn nước thải, phân đã phân hủy để nuôi thả cá và bón cây. Không khí mát mẻ từ ao nuôi cá, vườn cây tác động trở lại giúp đàn bò phát triển khỏe mạnh. Chị Ly tính nguồn thu lãi từ sữa bò cộng với thu hoạch cá, vườn cây mỗi tháng gia đình chị có gần 20 triệu đồng.