Giải pháp cho hộ nông dân

TP.HCM: Giải pháp phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững

Thay bằng việc phát triển về tổng đàn, việc tăng cường nuôi tập trung để ứng dụng các thiết bị, công nghệ trong trồng cỏ và vắt sữa để nâng cao chất lượng, sản lượng của đàn bò được xác định là giải pháp phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững của TP HCM.

Việc chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn trong việc trợ giúp của Nhà nước cũng như DN về thu gom, vận chuyển sữa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, trong quy hoạch phát triển ngành bò sữa đến năm 2020, tổng đàn bò sữa trên địa bàn chỉ vào khoảng 75.000 con, giảm khoảng 5.000 con so với năm 2010. Điều đó có nghĩa, chất lượng của đàn bò sữa sẽ phải nâng lên rất nhiều so với hiện nay.

Hấp dẫn nhưng bấp bênh

Trước nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng cao của người dân, ngành chăn nuôi bò sữa được đánh giá là có nhiều tiềm năng và triển vọng, hấp dẫn người dân và các doanh nghiệp. Và thực tế đã chứng minh, các sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều. Tuy nhiên, điều nghịch lý là, giá sữa (kể cả sữa trong nước) trong nhiều năm qua đều có xu hướng tăng, thì những người nuôi bò sữa luôn phập phồng lo âu trước những biến động giá cả của thị trường.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM cho biết: một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu của người nông dân nuôi bò sữa không ổn định là do việc nuôi bò sữa tại các hộ nông dân còn nhỏ lẻ, thiếu sự tập trung. Bên cạnh đó, đa phần các hộ nông dân không chủ động được nguồn thức ăn mà phải mua ở các đại lý từ cỏ tươi, hèm bia, xác khoai mì... Thậm chí một số hộ nông dân còn thuê người vắt sữa với giá 400 đồng/kg nên tính ra giá thành sản xuất 1 kg sữa tại TP HCM cao hơn các nơi khác khoảng 30%, còn lợi nhuận thấp hơn các tỉnh lân cận 70%.

Theo ông Phụng, tính toán thực tế thì một hộ nông dân nuôi dưới 5 con bò sữa sẽ lỗ, nuôi 10 con bò sữa mới hòa vốn và để nông dân sống được bằng nghề nuôi bò sữa phải nuôi từ 20 con trở lên.

Tập hợp giải pháp

Theo cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao, nghề chăn nuôi bò sữa phụ thuộc nhiều vào chất lượng con giống, quy mô cũng như kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh, khai thác và thu mua sữa. Việc nuôi phân tán gây khó khăn cho việc trợ giúp của Nhà nước cũng như DN thu gom, vận chuyển sữa. Chất lượng giống bò sữa trên thực tế chưa kiểm soát được, chủ yếu vẫn đánh gia bằng cảm quan, theo kinh nghiệm. Bên cạnh đó, giữa nông dân và nhà máy sữa chưa gắn được với nhau về quyền lợi, trách nhiệm, cộng với giá thức ăn tăng cao là những thách thức ảnh hưởng đến hiệu quả của chăn nuôi bò sữa.

Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, ngành chăn nuôi nước ta hướng tới mục tiêu một triệu lít sữa, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân. Để thực hiện được mục tiêu này, nghề chăn nuôi bò sữa, trong đó có TP HCM cần ổn định và phát triển bền vững.

Ông Trần Hoàng An – Giám đốc HTX Evergrowth cho rằng:  Nhà nước cần có chính sách ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, từng địa phương cũng chú ý vấn đề quy hoạch đất đai chăn nuôi, trồng cỏ cho bò sữa để việc nuôi bò sữa được tập trung. Ngoài ra, để chủ động hơn về nguồn con giống, Nhà nước cần tháo gỡ những trở ngại về hiệp định thú y với quốc tế, tạo điều kiện cho các công ty nhập bò sữa cao sản có năng suất, chất lượng tốt, khắc phục tình trạng luôn thiếu giống bò. Ngoài ra, hội nông dân cần tổ chức hướng dẫn chăn nuôi an toàn theo quy trình GAP; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc chấp hành tốt quy trình sản xuất sữa, thực hiện cam kết theo hợp đồng với nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích thu mua sữa bò tươi trong nước, và cũng nên có chính sách cấp hạn ngạch cho nhà máy chế biến nhập lượng sữa bột nguyên liệu tương ứng với sản lượng vùng nguyên liệu.

Nguồn: http://tin247.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác