Giải pháp cho hộ nông dân
Nông dân nuôi bò sữa…lên tay
Hành trình từ tay đến máy
Theo ông Lê Văn Hoạt, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), hiện trình độ tay nghề của người dân chăn nuôi bò sữa đã được nâng cao sau khi được hưởng lợi từ dự án JICA. Toàn huyện hiện có 7/29 xã có nông hộ chăn nuôi bò sữa, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Thịnh, với tổng đàn khoảng 1.300 con. “Còn nhớ, hồi năm 2000 khi nghề nuôi bò sữa mới được du nhập về địa phương, lúc đó người dân còn rất bỡ ngỡ và loay hoay chuyển đổi tập quán chăn nuôi từ con bò vàng bản địa sang một loại bò hoàn toàn mới mẻ. Ngay cả những kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại cho đến chữa trị những bệnh tật thông thường trên bò sữa đối với các hộ nông dân là cả một vấn đề nan giải. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật cũng như cơ sở vật chất ban đầu của các chuyên gia JICA chuyển giao qua đội ngũ kỹ thuật viên địa phương đã giúp người nuôi bò sữa ngày một tự tin hơn” - ông Hoạt cho hay.
Ông Đỗ Gia Việt, thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh đang nuôi 10 con bò sữa, bao gồm cả các giống lai F3-F4 và thuần, trong đó 5 con đang trong giai đoạn khai thác sữa, phấn khởi cho biết: Tuy bò sữa là con vật khó nuôi vì mới du nhập, phải cần nhiều kinh nghiệm nhưng có thể khẳng định đến thời điểm này chúng tôi đã tự xử lý được các loại bệnh phổ biến như viêm vú, chân móng thông qua các khóa tập huấn của chuyên gia đào tạo. Hiện 5 con bò sữa đang trong chu kỳ khai thác của gia đình, mỗi ngày tôi gom được trên 80 kg sữa, bán với giá 10.000 đồng/lít, sau khi trừ các loại chi phí còn đem lại lợi nhuận khoảng gần 3.000 đồng/lít.
Theo Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Tường, điều quan trọng là tất cả các khâu chăm sóc, quản lý đàn bò sữa của các nông hộ tại địa phương hiện nay đều đã được trang bị đồng bộ như hệ thống chuồng trại mát mẻ, thông thoáng, hầm biogas vệ sinh, máy thái cỏ, vắt sữa đều đã quá quen thuộc với người nông dân.
Kiến nghị của nông dân
Theo các chuyên gia của dự án JICA, phải thừa nhận rằng, sau gần 10 năm con bò sữa du nhập về các địa phương miền Bắc và đặc biệt là sau cơn “khủng hoảng” trong 2 năm 2005-2006 thì đến nay tốc độ phát triển đã dần ổn định và mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tại một số vùng có nhiều lợi thế như Ba Vì (Hà Nội) và Mộc Châu (Sơn La), sản lượng sữa trung bình cho mỗi đầu bò đang trong chu kỳ khai thác đã xấp xỉ đạt ngưỡng 6.000 tấn, cao gấp hai lần so với cách đây 10 năm.
Tuy nhiên đối với các hộ chăn nuôi bò sữa, dù đã tích lũy được kinh nghiệm nhưng nếu muốn mở rộng quy mô thì lại không đơn giản do hạn chế về quỹ đất đai và thị trường thức ăn chăn nuôi đang biến động mạnh. Chưa kể đến các chi phí đầu vào khác như điện, nước, trang thiết bị vật tư cũng đang nóng lên từng ngày.
Ông Đỗ Gia Việt cho biết, dù giá sữa trong thời gian qua đã có nhiều đợt điều chỉnh nhưng luôn đuổi theo giá thức ăn chăn nuôi tăng quá nhanh. “Chỉ trong vòng hai tuần vừa qua, giá mỗi bao cám đã tăng tới 16.000 đồng rồi. Nghe nói tình hình này rồi sẽ còn tăng nữa, trong khi đó giá điện cũng đã tăng từ tháng 3 này nên các hộ nuôi bò sữa đang rất loay hoay. Chỉ mong sao Nhà nước sớm có chính sách ổn định giá thức ăn chăn nuôi để chúng tôi yên tâm nuôi bò” - ông Việt nói.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN- PTNT), tính đến cuối năm 2010, cả nước đã có 19.639 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa, quy mô trung bình từ 4-7 con/hộ, chiếm 93% tổng đàn bò sữa và tạo công ăn việc làm cho trên 50.000 lao động trực tiếp và hàng ngàn lao động dịch vụ ăn theo. Để đạt mục tiêu nâng tổng đàn bò sữa toàn quốc lên 350.000 con vào năm 2015 và 500.000 con vào năm 2020 thì cùng với các giải pháp khoa học kỹ thuật giúp người chăn nuôi, Nhà nước và các địa phương phải có chiến lược quy hoạch cụ thể, đặc biệt về đất đai giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất.