Giải pháp cho hộ nông dân

Nhà nước và doanh nghiệp cùng hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa

Mỗi năm, trung bình Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại. Dự báo nhu cầu sử dụng sữa của người Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới, đây là điều kiện thuận lợi để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển. Vậy giải pháp căn cơ nào giúp ngành này phát triển bền vững hơn, góp phần giải quyết bài toán giảm nhập khẩu sữa nguyên liệu… Đó là nội dung chính của cuộc trao đổi của phóng viên Báo QĐND với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).


 

Phóng viên (PV): Thời gian qua, ngành chăn nuôi bò sữa tăng trưởng khá nhanh (30%/năm), tuy nhiên, hiện tồn tại không ít bất cập. Xin ông cho biết rõ hơn về thực trạng này?

 

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Chăn nuôi bò sữa đã và đang gặp khá nhiều khó khăn. Đây là một nghề mới, người chăn nuôi ít kinh nghiệm nên năng suất và chất lượng sữa chưa cao. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nhỏ, phương thức chăn nuôi còn hạn chế, thức ăn chăn nuôi tận dụng, chưa có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ cao trên diện rộng.

 

 

 

 

Ngoài ra, phần lớn nguồn nguyên liệu thức ăn tinh và các chất premix, vitamin… đều phải nhập nên chi phí đầu vào cao, dẫn tới khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, một điều dễ thấy là, các yếu tố như đất dành cho chăn nuôi bò sữa còn thiếu, không có khả năng mở rộng quy mô sản xuất; thời tiết và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm không thích hợp với việc chăn nuôi bò sữa cao sản nếu không đầu tư công nghệ cao cũng là một trong những cản trở lớn đối với ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam.

 

 

 

 

PV: Ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tới năm 2020, tổng đàn bò sữa cả nước đạt 500.000 con, sản lượng sữa đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Với quy mô chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ như hiện nay, liệu mục tiêu trên có thành hiện thực, thưa ông?

 

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Tổng đàn bò sữa của Việt Nam hiện khoảng 174.000 con, sản lượng sữa khoảng 381.000 lít sữa tươi, đáp ứng được 25-38% nhu cầu tiêu dùng trong nước, còn lại mỗi năm chúng ta nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại. Định hướng trong thời gian tới của ngành chăn nuôi vẫn là phát triển bò sữa tại các nông hộ là chính. Do Việt Nam thiếu không gian nên cách nuôi này vẫn chiếm ưu thế hơn là chăn nuôi trên quy mô trang trại rộng lớn. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sẽ không tiếp tục duy trì quy mô nhỏ, trung bình khoảng 5,3 con bò/hộ như hiện tại mà sẽ phát triển lên quy mô 10-15 con bò/hộ.

 

 

Bên cạnh các trang trại lớn chủ yếu do các doanh nghiệp lớn làm chủ, Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều nông hộ tham gia chăn nuôi bò sữa. Cùng với đó, ngành chăn nuôi bò sữa không chỉ phát triển ở một số địa phương có điều kiện phù hợp như: Sơn La, Lâm Đồng mà mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Các tỉnh trước đây có điều kiện ít thuận lợi đối với việc chăn nuôi bò sữa sẽ được khắc phục bằng các giải pháp công nghệ để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với những biện pháp tổng hợp như trên, đến năm 2020, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu có 500.000 con bò sữa, cung cấp hơn 1 triệu tấn sữa mỗi năm.

 

 

PV: Vậy đâu là giải pháp để đạt được mục tiêu trên?

 

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Chúng ta cần phải tìm mọi biện pháp để khuyến khích phát triển sản xuất sữa trong nước tăng lên. Song song với đó, để giải quyết bài toán nguyên liệu cho ngành sữa, cần kết hợp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sữa. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, Nhà nước có thể sử dụng biện pháp cấp quota nhập (hạn ngạch) cho các doanh nghiệp chế biến sữa. Điều kiện đi kèm là doanh nghiệp phải bảo đảm mua một lượng sữa nhất định trong nước thì mới được phép nhập khẩu lượng sữa tương ứng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ trao đổi với Bộ Công Thương về vấn đề này để tìm ra giải pháp thỏa đáng.

 

 

 

 

PV: Xin ông cho biết, Bộ NN&PTNT đã và sẽ có những biện pháp gì để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển?

 

 

Ông Nguyễn Xuân Dương: Chúng tôi đã xây dựng chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ, trong đó bò sữa là một trong những đối tượng được hỗ trợ ưu tiên. Cục Chăn nuôi đang kiến nghị sẽ hỗ trợ cho các hộ nông dân kinh phí mua bò ban đầu. Có hai cách hỗ trợ. Thứ nhất là sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, khoảng 5-10 triệu đồng/con bò sữa. Cách thứ hai là sẽ liên kết với ngân hàng tạo điều kiện để nông dân vay tiền mua bò. Khi đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân lãi suất mua bò trong vòng 24 tháng. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ công tác đào tạo, dạy nghề cho người chăn nuôi bò sữa, bởi đây là nghề đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật.

 

 

 

 

Ngoài việc cần Nhà nước hỗ trợ thì doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa cũng như ngành công nghiệp chế biến sữa. Các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với người nông dân để bảo đảm hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, từ khâu đầu vào tới đầu ra. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn trong ngành sữa: Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu, Cô gái Hà Lan… đều đang triển khai theo mô hình này. Trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa sẽ phải hỗ trợ nông dân để phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đưa ra những tiêu chuẩn về chất lượng, giá tương ứng đối với từng vùng sữa nguyên liệu. Người nông dân áp vào các tiêu chuẩn đó để sản xuất, đáp ứng. Các doanh nghiệp nên chủ động làm việc với những đại diện trong các hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ nông dân về các dịch vụ đầu vào như giống, thức ăn… đồng thời, thông qua chính hợp tác xã để thu mua sữa của các hộ nông dân. Nếu bảo đảm ổn định các mô hình như trên thì việc phát triển bền vững cho ngành sữa Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.

 

 

PV: Xin cảm ơn ông!

PHÚC THÁI (thực hiện)


Nguồn: qdnd.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác