Giải pháp cho hộ nông dân

Năng lực của một nông dân

Nghe tiếng ông khá lâu, nay chúng tôi mới có dịp tìm đến. Đã ngoài tuổi 60, nhưng ông vẫn hăng say lao động, miệt mài và tâm huyết với nghề nông. “Làm nghề gì cũng phải tính đến hiệu quả, phải biết tính toán và phải nhìn xa, trông rộng. Mặt khác, hiệu quả cao hay thấp còn phụ thuộc vào thị trường nữa!” - ông nói.

 Ông là Đặng Công Định, ở tại thôn Tân Lạc II, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh. Gia đình ông đến đây lập nghiệp cũng đã ngót 30 năm. Với 8 hecta cà phê kinh doanh trong nhiều năm qua, cũng đủ để khẳng định “năng lực” của nông dân thứ thiệt. Nhờ biết cách làm ăn và mạnh dạn đầu tư, từ cây cà phê, gia đình ông đã trở nên khá giả, các con cũng đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định.   

 

Làm nghề gì cũng phải tính đến hiệu quả. Sống trên vùng đất Di Linh, cây cà phê có nhiều lợi thế, nên ông tiếp tục thâm canh (bằng biện pháp tái canh và tăng cường đầu tư chăm sóc). Tuy nhiên, do giá cả không ổn định, chỉ độc canh cà phê thì đôi lúc cũng gặp phải “hên, xui”, còn bấp bênh, thiếu vững chắc. Nghĩ vậy, trong mấy năm gần đây, ông Đặng Công Định đã trồng xen vào cà phê 500 cây mắc ca và chuyển đổi sang trồng 1 hecta chuối Laba. Cây mắc ca chưa cho thu hoạch; còn cây chuối, trong năm thu hoạch đầu tiên, ông đã bán được 100 triệu đồng. 

 

Với cách nhìn và cách làm khá táo bạo, ông đã tính đến chuyện mở thêm nghề chăn nuôi bò sữa. Vì chưa nuôi bò sữa bao giờ, nên “vạn sự khởi đầu nan”. Trước khi chăn nuôi bò, ông đã mất một thời gian “động não” suy nghĩ, tính toán và chịu khó tìm hiểu thực tế về kinh nghiệm nuôi bò sữa của những người đi trước và tham khảo thị trường. Năm 2014, ông Đặng Công Định chặt bỏ 0,5 hecta cà phê để trồng cỏ. Sau đó, ông làm chuồng trại và cùng một lúc nuôi tới 10 con bò sữa. 

 

Theo lời ông Định kể, tuy chỉ mới nuôi bò sữa được 1 năm rưỡi, ông đã có nguồn thu nhập khá cao. Tính riêng tiền bán sữa tươi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông đã thu được 300 triệu đồng. Ông chiết tính đại khái: “Trong chu kỳ cho lứa sữa đầu tiên, tuy năng suất sữa còn thấp (15 - 17kg sữa/ 1 con/ 1 ngày), bình quân tôi thu tiền bán sữa được 200.000 đồng/1 con/ngày. Sau khi trừ chí phí, tôi thu lợi nhuận được 100.000 đồng/ 1 ngày/ 1 con (nghĩa là 3.000.000 đồng/ 1 tháng/ 1 con). Trong mỗi năm, chỉ vắt sữa trong 10 tháng thì mỗi con, tôi thu lợi nhuận được 30.000.000 đồng. Và như thế, tổng số 10 con, tôi thu được 300.000.000 đồng/ 1 năm. Những chu kỳ sau, năng suất sữa sẽ tăng lên 20 - 25kg/ 1 con, thì chắc chắn tôi sẽ có thu nhập cao hơn. Đó là chưa kể thu nhập từ giá trị phân bò, tiền bán con giống do bò mẹ đẻ ra”. Khi chúng tôi hỏi, nếu so sánh với thu nhập từ cà phê, ông Định cho rằng: “Nuôi bò sữa cho thu nhập cao gấp 4 lần so với cà phê”. Ngoài thu nhập ra, ông còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương. 

 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, hiện nay, đàn bò sữa trong toàn huyện chỉ có 120 con (50 con đang khai thác sữa, 18 con chuẩn bị khai thác sữa và 52 con hậu bị). Ông Đặng Công Định hiện là người nuôi bò sữa nhiều nhất. “Tôi rất muốn nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi bò sữa nhưng không thể, vì hiện tại Di Linh chưa có trạm thu mua sữa!” - ông Định cho biết. Cũng theo ông Định, điều khó khăn trong việc chăn nuôi bò sữa hiện nay tại Di Linh là chưa có nơi tiêu thụ. Các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện mặc dù được Công ty Vinamilk ký hợp đồng tiêu thụ sữa, nhưng phải mang sữa đến bán tại Trạm Thu mua Bảo Lộc và Trạm Thu mua Đức Trọng. Những hộ nuôi số lượng ít, chủ yếu là bán lẻ và chế biến thành sữa chua để bán tại chỗ. Nhiều hộ đã trồng cỏ, xây dựng chuồng trại nhưng chưa thể đầu tư nuôi bò, vì chưa có trạm thu mua sữa tại địa phương. Riêng gia đình ông, hàng ngày, bố con ông phải dùng xe máy hoặc thuê ô tô chuyên chở sữa xuống bán tại Trạm Thu mua Sữa xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc).

 

Ông Đặng Công Định rất vui khi UBND huyện Di Linh đã bắt đầu triển khai Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2015 - 2020. UBND huyện Di Linh đã có chủ trương và giao các ngành tham mưu giải quyết cấp đất để Công ty Vinamilk xây dựng trạm thu mua sữa tươi vào năm 2016 này. Thế nhưng, ông vẫn còn một nỗi lo, khi sản lượng sữa hiện nay tại huyện Di Linh chỉ cung cấp khoảng 900 lít/ngày. Trong khi Công ty Vinamilk sẽ xây dựng trạm thu mua, khi ít nhất mỗi ngày bà con tại huyện Di Linh cung cấp cho trạm từ 2.000 lít sữa tươi trở lên!

 

XUÂN LONG

Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác