Giải pháp cho hộ nông dân

Một số vấn đề cần chú ý trong chăn nuôi bò sữa?

Người ta có thể ví con bò sữa như một cỗ máy. Để cho máy chạy khoẻ, hiệu quả cao ta phải chọn mua loại máy tốt, phải thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng. Để cho máy hoạt động được thì ta phải cung cấp nhiên liệu cho nó. Máy càng tinh vi, hiện đại thì nhiên liệu cũng càng phải có chất lượng cao.
Con bò sữa là một “cỗ máy” hiện đại. Chính vì vậy, việc chọn mua, chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác phải đặc biệt cẩn thận.
Trong chăn nuôi bò sữa chúng ta cần chú ý những vấn đề sau đây:

1 - Về viêc chọn mua bò sữa
Câu hỏi đặt ra là nên chọn mua giống bò nào? Câu trả lời tưởng chừng đơn giản: cứ chọn bò Hà Lan thuần, có năng suất sữa cao mà nuôi! Thực tế không đơn giản như vậy và cũng không nên tuỳ tiện mà phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi của chủ hộ, cũng như các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và chuồng trại (điều kiện kinh tế và hạ tầng kỹ thuật) của mỗi gia đình. Những gia đình mới bắt đầu chăn nuôi bò sữa, do còn thiếu kinh nghiệm (và đôi khi cả khả năng kinh tế còn hạn chế) nên chọn mua bò lai F1 (Lai Sind x Hà Lan) hoặc bò lai F2 (F1 x Hà Lan). Không nên chọn mua bò Hà Lan thuần hoặc bò lai có tỷ lệ máu bò Hà Lan cao (F3, F4...). Bởi vì bò sữa Hà Lan thuần hoặc bò lai có tỷ lệ máu bò Hà Lan càng cao (bò F3, F4-7/8 và 15/16 máu bò Hà Lan) thì càng “ khó tính”, càng kém chịu đựng được điều kiện nóng ẩm và kham khổ do thiếu thốn thức ăn. Khi nhiệt độ lên trên 340C, bò có tỷ lệ máu bò Hà Lan cao thường thở dốc, xù lông, năng suất sữa giảm. Mặt khác, tỷ lệ nhiễm bệnh tăng, đặc biệt là các bệnh ký sinh trùng đường máu và bệnh tụ huyết trùng. (thực tế chăn nuôi bò sữa ở nước ta chỉ ra rằng, bò sữa Hà Lan thuần thích hợp nhất ở một số vùng như Mộc Châu - Sơn La, Đức Trọng - Lâm Đồng - nơi có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ bình quân hàng năm 210C).

Dù có nuôi bò lai F1 hoặc F2… việc chọn con có năng suất cao (tương ứng với từng giống) rất quan trọng. Hiện nay, giá bò sữa thường tính theo năng suất. Vì vậy, khi mua bò, nếu là bò đang khai thác sữa, cần kiểm tra năng suất sữa thực tế. Cũng phải xem xét nó đang tiết sữa kỳ thứ mấy, tháng thứ mấy của chu kỳ (thông qua sổ sách-nếu có, hỏi người chủ, quan sát và xem răng để định tuổi...). Giả sử là bò F2, đang tiết sữa tháng thứ hai của chu kỳ 3 mà mỗi ngày chỉ vắt được 10 lít sữa thì phải dè chừng!

Việc không thể xem nhẹ là kiểm tra hình dạng và cấu trúc bầu vú, cũng như hệ thống mạch máu tuyến vú. Xin nhớ là chỉ có bầu vú phát triển, mềm mại, các tĩnh mạch nổi rõ, cuộn lên như sợi dây thừng thì mới cho nhiều sữa (vì máu vận chuyển các chất đến bầu vú để tạo sữa và để tạo ra 01 lít sữa cần 540 lít máu chảy qua bầu vú).
Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng, chỉ khi nào bò đẻ mới cho ra hai sản phẩm quan trọng nhất là bê và sữa. Vì vậy, khi mua bò cần chú ý kiểm tra cơ quan sinh dục, đối với loại bò trưởng thành đã đẻ cũng như đối với bò cái tơ chưa đẻ lứa nào. Việc kiểm tra này cần trông cậy vào các bác sỹ thú y chuyên khoa bằng quan sát cơ quan sinh dục bên ngoài và sờ khám qua trực tràng để xem cơ quan sinh dục của con bò ấy có phát triển bình thường không? tử cung, buồng trứng... có bị viêm nhiễm, teo nhỏ không?... Tức là phải biết được con bò ấy có đẻ được không và sinh đẻ có tốt không?

2 - Về việc nuôi dưỡng
Cũng như một số động vật khác, bò sữa cần một lượng dinh dưỡng để duy trì cuộc sống (hô hấp, hoạt động tim mạch, vận động... ). Ngoài ra, bò sữa cần một lượng dinh dưỡng rất lớn cho tăng trọng, nuôi thai và sản xuất sữa. Chúng ta hãy thử hình dung: hàm lượng vật chất khô (các chất đạm, đường, mỡ, khoáng...) trong sữa trung bình là 12% (tức là trong 1kg sữa có chứa 120g vật chất khô). Như vậy, một con bò sữa (giả sử nặng 400kg) có sản lượng sữa trung bình 4.000 kg/chu kỳ thì trong thời gian một chu kỳ nó tạo ra một lượng vật chất khô 480kg, nghĩa là lớn hơn rất nhiều so với khối lượng cơ thể bản thân nó. Mà các chất này chỉ có thể được tạo ra trong sữa, từ thức ăn cung cấp cho con bò. Điều đó muốn nói lên rằng, việc cung cấp thức ăn đầy đủ, với chất lượng tốt cho bò sữa quan trọng biết chừng nào. Chúng ta không thể có nhiều sữa, sữa chất lượng tốt khi chỉ cho bò ăn rơm lúa hoặc các thức ăn kém phẩm chất. Cũng giống như chúng ta không thể đổ xăng chất lượng kém vào xe máy mà nó có thể chạy khỏe được!

Nuôi dưỡng bò sữa thực chất là nuôi dưỡng các loài vi sinh vật sống trong dạ cỏ. Nuôi dưỡng bò sữa đúng kỹ thuật tức là tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hệ vi sinh vật trong dạ cỏ phát triển bình thường. Chúng ta phải cung cấp khẩu phần thức ăn cân đối, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của từng con; không thay đổi thức ăn đột ngột; chia thức ăn tinh ra thành nhiều bữa... Trong nuôi dưỡng bò sữa, điều cần chú ý là bảo đảm đầy đủ khẩu phần thức ăn thô xanh. Chính thức ăn thô xanh là yếu tố cơ bản cho hệ vi sinh vật dạ cỏ hoạt động bình thường, bò cho năng suất sữa cao và chất lượng sữa tốt. Muốn vậy, phải lưu ý áp dụng các biện pháp giải quyết thức ăn thô xanh như trồng ngô dày, trồng cỏ… Trong điều kiện của miền Bắc nước ta, do vụ đông - xuân khô hanh kéo dài thường thiếu cỏ và các loại thức ăn xanh khác, cần áp dụng biện pháp ủ chua để dự trữ, chủ động có đủ thức ăn thô xanh quanh năm.
Thức ăn của bò sữa rất đa dạng, các loại phế phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến cũng là nguồn thức ăn rất có giá trị nuôi bò sữa. Việc tận dụng các nguồn thức ăn này kết hợp với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bảo quản cho phép chúng ta hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò sữa một cách đáng kể. Đây chính là một trong những bí quyết quan trọng để thành công. Bởi vì chi phí thức ăn chiếm khoảng 70% trong tổng chi chăn nuôi bò sữa!
Do đặc điểm tiêu hoá thức ăn của bò sữa :
- Nên sử dụng nguồn đạm vô cơ (phân urê) để bổ sung vào khẩu phần thức ăn. Đây là cách bổ sung đạm rẻ tiền và mang lại hiệu quả cao
- Không cần cho ăn thêm bột cá, gây lãng phí và tốn kém
- Không cần đun nấu thức ăn cũng như không hoà loãng thức ăn như nuôi lợn. Cho ăn sống, khô và uống nước sạch, uống nước tự do. Nên lưu ý là nước uống đối với bò sữa cũng quan trọng như thức ăn vậy !

3 - Về vấn đề chăm sóc và khai thác sữa
Việc chẩn đoán và điều trị một số bệnh của bò sữa nên trông cậy vào bác sỹ thú y có chuyên môn trong lĩnh vực bệnh bò sữa
Chúng tôi khuyến nghị bà con nên tuân thủ nguyên lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đừng lơ là biện pháp phòng bệnh và/hoặc tiết kiệm một chút tiền mà sẽ phải bỏ ra khoản tiền lớn để điều trị, thậm chí mất cả con bò.
Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là:
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bảo đảm chuồng trại luôn trong tình trạng sạch sẽ, thông thoáng
- Diệt ruồi, muỗi và các loài ký sinh ngoài da
- Nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật
- Áp dụng các biện pháp phòng bệnh viêm vú
- Tiêm điều trị dự phòng ký sinh trùng đường máu
- Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng

Một vấn đề quan trọng khác là làm sao để bò đẻ càng nhiều càng tốt, tốt nhất là năm một. Chỉ khi bò chửa, đẻ ta mới có sữa, có bê con. Như vậy, ngoài các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trị bệnh, vấn đề đặt ra là phải phát hiện động dục kịp thời, phối tinh với chất lượng tốt, đúng kỹ thuật, đúng thời điểm, để làm sao bò cái sớm có chửa lại sau khi đẻ, tức là rút ngắn khoảng cách lứa đẻ. Bỏ lỡ, hỏng một chu kỳ động dục là chúng ta chẳng những mất đi một lượng sản phẩm đáng kể mà còn phải chịu thêm nhiều chi phí cho thức ăn, nhân công... do phải "nuôi báo cô". Muốn vậy, không nên coi phát hiện động dục là một công việc tuỳ tiện, ngẫu nhiên mà là công việc có chương trình, có kế hoạch. Để nâng cao hiệu quả, cần có quyển sổ theo dõi động dục và các diễn biến quá trình sinh sản của từng con bò cái: ngày đẻ, đẻ như thế nào (đẻ dễ hay khó), ngày động dục, ngày phối, phối loại tinh gì, ai phối...

Cuối cùng, cũng cần nói thêm: vắt sữa là một công việc nặng nhọc, nhưng cũng nên nhớ là bò sữa cho ra nhiều sữa khi nó ở trong trạng thái thoải mái, bò sữa cũng có “tình cảm“ với người nuôi nó. Chính vì vậy, ngoài việc cần tuân thủ các quy định kỹ thuật vắt sữa như đúng giờ giấc, vệ sinh vắt sữa... chủ nuôi hoặc những người hàng ngày trực tiếp chăm sóc, cho bò ăn nên đảm nhiệm công việc vắt sữa. Không nên thuê người vắt sữa “gọi là chuyên nghiệp“ bên ngoài (như hiện tượng đã và đang diễn ra ở một số nơi). Bởi vì những người này, vì chạy theo lợi nhuận và/hoặc thậm chí tác trách nên họ rất tuỳ tiện về giờ giấc, về kỹ thuật vắt sữa. Họ là tác nhân làm “hỏng“ bò sữa, làm lây truyền bệnh viêm vú và các bệnh khác từ con bò này sang con bò khác

 

 

Nguồn: travinh.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác