Giải pháp cho hộ nông dân

Hiệu quả từ chương trình tín dụng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Chương trình tín dụng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại TP Hồ Chí Minh đã giúp hàng chục nghìn lượt phụ nữ có vốn sản xuất, kinh doanh. Từ chương trình này đã xuất hiện nhiều gương điển hình về làm kinh tế giỏi.

Vượt nghèo, vươn lên làm giàu

Chúng tôi tới nhà chị Trần Thị Lan ngụ ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi gặp lúc chị đang tiếp đoàn khách từ miền trung vào tham quan mô hình nuôi bò sữa kết hợp với nuôi trùn quế của gia đình chị. Chị Lan là một trong những phụ nữ làm kinh tế giỏi của TP Hồ Chí Minh nhiều năm liền. Chị nhớ lại, ngày trước hai vợ chồng vừa làm vườn vừa đi làm mướn, lam lũ quanh năm nhưng vẫn không thoát cảnh "ăn bữa nay lo bữa mai". "Tôi tự hỏi, nhà có nhiều đất nhưng sao mình vẫn phải nghèo khó? Trăn trở đó đã thôi thúc tôi tìm cách đổi mới cách làm kinh tế" - Chị chia sẻ. Năm 2000 cùng với số vốn dành dụm của hai vợ chồng, chị mạnh dạn vay hai triệu đồng từ chương trình tín dụng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mua hai con bò sữa về nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, tới nay trại bò nhà chị đã có hơn 40 con. Ðể phát triển đàn bò, ngoài hơn ba công đất quanh nhà, chị mượn thêm năm công đất để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Với bản tính cần cù, chịu khó chị Lan không ngại đi học hỏi cách làm ăn nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Cùng với mở rộng trại nuôi bò, chị đã tận dụng nguồn phân bò để nuôi trùn quế. Ðến nay, mỗi năm gia đình chị thu lời hơn hai trăm triệu đồng. Không chỉ vượt nghèo và vươn lên làm giàu, người phụ nữ ngoài 50 tuổi này còn tham gia nhiều phong trào hỗ trợ phụ nữ địa phương vượt khó như: phong trào gây quỹ khuyến học do Hội phụ nữ phát động, góp vốn giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị còn hướng dẫn một số chị em phụ nữ trong ấp phát triển chăn nuôi theo mô hình nuôi bò sữa kết hợp nuôi trùn quế. Chị tâm sự: "Trước đây, lúc khó khăn tôi được Hội phụ nữ giới thiệu cho nguồn vốn vay ưu đãi 1% để phát triển kinh tế. Bây giờ mình có chút dư dả phải giúp đỡ lại chị em khác cùng vươn lên thoát nghèo".

Chia tay với chị Lan, chúng tôi tới xưởng may gia công quần áo, túi xách của chị Trương Kim Ngọc trên đường Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh. Với hàng chục máy may công nghiệp cơ sở may này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động. Ngoài ra, chị còn mở thêm khu kinh doanh phụ kiện ngành may. Ít ai nghĩ rằng cơ sở may bề thế này được chị Ngọc gây dựng từ hai bàn tay trắng. Vốn là một thợ may quần áo, năm 1998 chị đã vay hai triệu đồng từ chương trình tín dụng tiết kiệm của Hội phụ nữ để mua thêm máy may và thuê người làm phụ. Sản phẩm may của cơ sở chị được khách hàng ưa chuộng, làm ra không đủ bán. Trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường về các sản phẩm quần áo, túi xách, chị đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng thuê mặt bằng, đầu tư máy móc mở rộng sản xuất. Từ một hộ thuộc diện xóa đói, giảm nghèo của phường, đến nay mỗi năm cơ sở của chị có tổng doanh thu hơn một tỷ đồng. Chị chia sẻ: "Tôi may mắn được vay nguồn tín dụng tiết kiệm của Hội phụ nữ trong hơn 10 năm qua. Vốn vay không nhiều nhưng quan trọng mình phải biết sử dụng đúng mục đích, đúng cách. Tôi không có nhiều kiến thức về kinh doanh, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Ðể làm ăn lâu dài phải biết nắm bắt nhu cầu của thị trường và tạo được chữ tín với bạn hàng".

Tạo chuyển biến về chất

TP Hồ Chí Minh ngày càng có nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong số đó không ít chị em đã nỗ lực vượt nghèo và vươn lên làm giàu. Ðây cũng là kết quả việc các cấp hội phụ nữ thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, từ năm 2006 đến nay, các cấp hội đã tạo điều kiện giúp chị em vay hơn 617 tỷ đồng giúp phụ nữ thoát nghèo một cách hiệu quả và bền vững thông qua hoạt động của mô hình tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm. Ðến nay, 100% số hộ phụ nữ nghèo có nhu cầu vay vốn được hỗ trợ vốn làm kinh tế, trong đó có 60% số phụ nữ đã vượt nghèo và vươn lên làm ăn khá. Chương trình này góp phần quan trọng vào kết quả giảm số hộ nghèo, tăng hộ khá tại địa phương. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi Ngô Kim Huê, cho biết: "Các chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả thiết thực với các hội viên. Hiện xã có hàng trăm lượt phụ nữ sử dụng nguồn vốn này. Việc duy trì mô hình tín dụng tiết kiệm đã giúp chị em dễ dàng hơn trong việc hoàn vốn và giúp việc thu hồi vốn đạt hiệu quả cao". Ðể có vốn hỗ trợ phụ nữ, các cấp hội có nhiều sáng tạo để huy động vốn từ nhiều nguồn như: nguồn vốn của UBND thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức phi chính phủ, đóng góp của các đơn vị, cá nhân. Bên cạnh đó, các hội viên phụ nữ đóng góp không nhỏ vào nguồn vốn này thông qua chương trình tiết kiệm và phong trào "Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo"... Từ những hiệu quả thiết thực chương trình tín dụng hỗ trợ phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động này nhằm tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục triển khai đào tạo nghề theo đề án của Chính phủ về "Hỗ trợ học nghề cho lao động nữ giai đoạn 2010 - 2015" và giới thiệu việc làm cho phụ nữ để sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn.

Phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, phụ nữ TP Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò của mình trên mặt trận kinh tế với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng vốn ngày càng lớn. Ðiều này đòi hỏi các cấp hội phụ nữ và các đơn vị liên quan có nhiều giải pháp huy động nguồn vốn để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

 

HOÀNG HẢI
Nguồn: nhandan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác