Giải pháp cho hộ nông dân
Gương nông dân điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ba Sao ông Lão Thế Hùng luôn ý thức rằng muốn vươn lên làm giàu từ mảnh đất khô cằn này thì phải có ý chí kiên cường, cần cù chịu khó lấy công làm lãi để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình và ông đã trở thành một gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của HND xã Ba Sao - huyện Kim Bảng,
Năm nay ông tròn 46 tuổi, là hội viên chi hội 3 Hội nông dân thị trấn Ba sao. Gia đình ông hiện có 5 nhân khẩu với số lao động chính là 3 người, ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa. Trong những năm qua với sự phấn đấu của bản thân ông và gia đình. Cùng với những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ông đã mạnh dạn tìm ra hướng làm ăn mới đó là vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò sữa. Năm 2002, thực hiện chương trình khuyến nông của sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; ông cùng các hộ trong xã mạnh dạn tiếp thu đưa giống bò sữa ngoại về nuôi tại gia đình. Ban đầu ông được HND xã đứng ra cho vay vốn bằng giống bò sữa và gia đình bỏ thêm vốn để mua được 5 con bò sữa với giá trị hơn 100 triệu đồng, một số tiền quá lớn đối với gia đình lúc bấy giờ. Giai đoạn đầu, do chuyển vùng bò sữa quá xa ( từ Úc về Việt nam), kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa chưa có ( kể cả nông dân và kỹ thuật viên), vì vậy việc chăn nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn, sản lượng sữa không ổn định, chất lượng có thời điểm không đạt, phải hủy bỏ, cộng với giá thu mua thấp nên nhiều hộ trong vùng chán nản, bán bò … Trong lúc đó, gia đình ông cũng đầy khó khăn chồng chất: Nợ ngân hàng, hàng tháng phải trả lãi ngân hàng khó khăn nhất là trả nợ tiền gốc, trong khi đó thường xuyên vẫn phải có một lượng tiền vốn nhất định để bổ sung thức ăn cho bò, lao động, nhân lực thiếu nhưng không dám thuê; cỏ bò vào mùa khô trong vùng đồi càng làm cho gia đình ông nghĩ đến bỏ nghề. Tuy nhiên với ý chí quyết tâm, chịu khó, vươn lên, ông phải tìm đủ mọi cách, lấy chăn nuôi dê, gà… và các thu nhập trong trồng trọt để duy trì đàn bò. Đồng thời, qua quá trình chăn nuội bò sữa với tình cảm giành hết cho đàn bò nên ông cũng đã đúc rút ra được một vài kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa. Đặc biệt là chế độ cho ăn, theo dỗi hàng ngày về số lượng chất lượng sữa để bổ sung thức ăn tinh cho hợp lý; theo dõi về quá trình động dục của bò để thông báo đến kỹ thuật viên thụ tinh đảm bảo chất lượng.
Liên tục qua các năm, cùng với sự động viên của cán bộ Hội nông dân xã, ông duy trì và đứng vững, cùng với chính sách thu mua của công ty sữa thay đổi tạo điều kiện cho nông dân nuôi bò sữa đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, tập huấn kỹ thuật. Vì vậy, đàn bò của gia đình ông đến nay là 12 con, trong đó có 9 con cho sữa, với sản lượng sữa bình quân 20 kg/con/ ngày mỗi năm gia đình ông đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nguồn sữa bò.
Ngoài chăn nuôi bò sữa gia đình còn chăn nuôi gà, bình quân mỗi năm thu hơn 400 kg (3 lứa/năm, mỗi lứa 100 con tính trung bình 1,5 kg) với giá bình quân là 90.000 đ/kg và doanh thu trong mỗi năm là 36 - 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí còn lãi mỗi năm trên 20 triệu đồng. Ngoài ra nguồn phân chuồng gia đình ông còn tận dụng để bổ sung cho cây trồng với diện tích hơn 5 ha.
Bên cạnh việc chăn nuôi của gia đình trong 4 năm qua ông còn giúp đỡ được 6 hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn biết vươn lên làm kinh tế . Hiện nay 6 hộ đã có kinh tế ổn định và có tiền chi phí cho con ăn học điển hình là hộ bà Nguyễn Thị Oanh ở chi hội 5; ông Phan Văn Duệ ở chi hội 6; bà Vũ Thị Nga ở chi hội 2.
Có được kết quả trên trước hết phải nói đến sự quyết tâm tự phấn đấu vươn lên làm giàu của ông và gia đình đã tìm tòi sáng tạo trong suy nghĩ và tìm ra cách làm ăn mới. Sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương trong cơ chế chính sách và giải quyết phù hợp trong việc sử dụng đất đai trong cơ chế kinh tế nhiều thành phần hiện nay. Đây thực sự là một điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
Nguyễn Thị Hồng Lý
Văn phòng HND tỉnh