Giải pháp cho hộ nông dân

Giới thiệu kỹ thuật tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê ở Tây Nguyên

(Dairy Việt Nam) Cà phê là cây lâu năm nhưng có hệ rễ tương đối nông, bộ rễ tơ phân bố chủ yếu ở tầng đất mặt, trên 90% bộ rễ của cây cà phê phân bố ở độ sâu từ 0-30 cm do đó cây cà phê gần như không thể chống chịu được một mùa khô khắt nghiệt và kéo dài 6 tháng ở Tây Nguyên. Để có vườn cà phê sinh trưởng tốt và cho năng suất cao thì hầu hết cà phê ở Tây Nguyên đều phải được tưới nước trong mùa khô.

Nhận thức được tầm quan trọng của biện pháp tưới nước đến sinh trưởng và năng suất của cây cà phê nên những người trồng cà phê ở Tây Nguyên đặc biệt quan tâm tới biện pháp này nhưng hầu hết có xu hướng sử dụng một lượng nước tưới vượt quá mức yêu cầu của cây. Với diện tích cà phê trên 550.000 ha, và cứ mỗi ha tưới thừa trung bình 300 m3/ha/năm thì mỗi năm ngành sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đã lãng phí một lượng nước trên 165 triệu m3 nước, điều này đã làm tăng thêm sự mất cân bằng nguồn nước ở Tây Nguyên, nhất là trong điều kiện diễn biến khí hậu càng ngày càng phức tạp như hiên nay.

Cùng với việc tưới nước thì bón phân cũng là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất cà phê. Tại Tây Nguyên, phương pháp bón phân chủ yếu và thông dụng nhất là bón thẳng vào đất. Tuy nhiên do việc rạch hàng bón phân theo quy trình gặp rất nhiều khó khăn nhất là cà phê đã giao tán do đó hầu hết nông dân đều áp dụng phương pháp bón là vãi đều trên mặt đất và chờ mưa. Biện pháp này tuy có ưu điểm là dễ làm và ít tốn công nhưng rất lại gặp phải những nhược điểm lớn là phân sẽ bị bốc hơi nếu không có mưa cũng như sẽ bị rửa trôi rất nhiều nếu gặp mưa to sau khi bón vì vậy hiệu suất sử dụng phân bón cho cây trồng theo phương pháp bón vào đất thường không cao. Kỹ thuật cung cấp phân bón theo nước tưới (Fertigation) đã được khẳng định là có hiệu suất sử dụng cao. Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, có thể cung cấp phân bón theo nước tưới thông qua hệ thống tưới tiết kiệm nước và bộ phận cấp phân tự động thông qua nước tưới là thiết bị quan trọng để giảm công lao động bón phân và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.

Được cải tiến từ các hệ thống tưới nước nhỏ giọt của nước ngoài và đã thử nghiệm thực tiễn, hệ thống tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước cho cà phê của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã và đang thực hiện ở Đăk Lăk và Gia Lai có những ưu điểm vượt trội sau:

- Hệ thống vận hành tưới và bón phân hòa tan đến từng gốc cà phê, được điều chỉnh bởi các van và hệ thống bơm nên tiết kiệm được toàn bộ công lao động kéo ống, cầm ống, cào lá và bón phân.

- Lắp đặt đơn giản, sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu phổ thông trong nước với giá rẻ hơn gần một nửa và có thể mua được dễ dàng tại các cửa hàng tạo điều kiện cho việc nhân rộng mô hình.

- Khắc phục được yêu cầu phải sử dụng nước sạch của các hệ thống nhỏ giọt.

- Lượng nước ra có thể điều chỉnh ở mức cao lên đến 100 lít/giờ tức là lần tưới đầu chỉ cần tối đa 4 - 5 giờ để tưới đủ lượng nước cho cây cà phê ra hoa hiệu quả và tập trung. Đây là một ưu điểm rất quan trọng của hệ thống này so với hệ thống tưới nhỏ giọt.

- Bón phân qua nước cho phép bón dinh dưỡng một cách chính xác và đồng nhất cho những nơi đất ẩm ướt và tập trung nhiều rễ nhất. Vì vậy, người ta hoàn toàn có thể đáp ứng chính xác về số lượng cũng như nồng độ cần thiết của các loại dinh dưỡng cho cây cà phê theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển. Ngoài ra, có thể chia bón phân ra thành nhiều đợt với lượng ít hơn cho từng đợt để tránh thất thoát phân bón do rửa trôi và bay hơi. Hơn nữa, việc bón phân với lượng ít hơn và nồng độ loãng hơn sẽ giảm thiểu ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trong đất.

- Tóm lại, việc tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước có tính toán và kế hoạch dựa trên từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cà phê đồng thời xem xét các đặc điểm của đất đai và khí hậu sẽ mang đến việc đạt năng suất cao, ổn định và chất lượng tốt với sự ảnh hưởng tối thiểu cho môi trường.

Các hệ thống tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước đã được Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu cải tiến và lắp đặt thử nghiệm ở nhiều vườn cà phê ở Đăk Lăk và Gia Lai. Kết quả ban đầu cho thấy rất khả quan: các mô hình với mức tiết kiệm 20% lượng nước tưới và 20% lượng phân bón đều sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài việc tiết kiệm lượng nước tưới, hiệu quả kinh tế của mỗi hectare mô hình có thể cao hơn 15 triệu đồng so với các vườn đối chứng cho niên vụ cà phê 2011 - 2012. Hiện nay, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên vẫn tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn chỉnh quy trình và đưa ra sản xuất sớm.

Nguồn: Tổng hợp
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác