Giải pháp cho hộ nông dân
Để người nuôi bò sữa có lãi
Mặt khác người nuôi cần chú ý vào các yếu tố quản lý sinh sản, giảm khoảng cách giữa hai lứa đẻ, sử dụng thức ăn cỏ cao sản, hạn chế sử dụng phụ phẩm công nghiệp, quản lý chi phí lao động, đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất, khuyến khích tăng quy mô, giảm số hộ, giảm tổng đàn và bảo vệ môi trường.
Giảm đàn, tăng chất lượng
Theo ông Nguyễn Văn Tủi, Phó Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân TP.HCM, để người nuôi bò sữa có lãi, nhà nước cần có chính sách công bố quy hoạch. Đàn bò sữa cả nước có 115.000 con, nhưng khu vực phía Nam chiếm 75% số bò, riêng thành phố Hồ Chí Minh có 80.000 con. Dự kiến đến năm 2020 còn 75.000 con và đến năm 2025 đàn bò của Tp.HCM chỉ còn 70.000 con, chủ yếu tập trung ở 2 huyện ngoại thành Củ Chi (60.000 con), Hóc Môn (10.000 con). Tuy nhiên, chất lượng sữa bò còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài việc giảm số lượng bò, các hộ chăn nuôi còn quan tâm nhiều đến thức ăn cho bò, vệ sinh, chăm sóc chuồng trại, chăm sóc dịch bệnh bò, loại bỏ những giống bò cho sữa kém chất lượng cũng có thể giúp nâng cao chất lượng, sản lượng sữa, từ đó mới nâng cao thu nhập. Hiện nay diện tích trồng cỏ tại Tp.HCM chưa được mở rộng, công tác chuyển giao giống cỏ mới còn hạn chế, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của đàn bò. Bên cạnh đó, người nuôi lạm dụng thức ăn tinh sẽ gây hại cho bò. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn tinh tăng giá. Người dân cũng phải thay đổi phương pháp chăn nuôi, thay đổi khẩu phần ăn của bò, tăng cường sử dụng phụ phẩm nông nghiệp hiện có như ngô, dây họ đậu, các loại dây leo là giải pháp cho thức ăn của bò, hạn chế thức ăn tinh, hèm bia, xác mì. Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân Tp.HCM nhấn mạnh, theo lý thuyết, sau khi trừ mọi chi phí mỗi con bò sữa cho thu nhập 1 triệu đồng/tháng, như vậy chỉ cần nuôi 5 con bò, người nuôi có thể sống bằng nghề nuôi bò sữa. Nhưng trên thực tế, hộ nông dân nuôi 5 con bò sẽ bị lỗ, phải nuôi đến 10 con mới thu hồi vốn. Chỉ khi nuôi từ 20 con trở lên, hộ nuôi mới sinh lãi từ bò sữa. Điều đó cho thấy việc tăng hay giảm đàn bò không phụ thuộc vào người nuôi bò, mà lại phụ thuộc vào giá thu mua sữa tươi. Giá thu mua sữa tươi hiện nay là 10.200 đồng/kg. Với hộ chăn nuôi đàn bò 10 con, tự trồng cỏ cho bò, thì mất khoảng 200 đồng/kg cỏ, mỗi năm chi ra hơn 19 triệu đồng cho tiền cỏ. Nếu phải mua cỏ với giá từ 500 – 600 đồng/kg, thì mất hơn 48 triệu đồng/ năm. Sự chênh lệch chi phí cho cỏ của hộ tự trồng cỏ và hộ phải mua cỏ khá lớn, khoảng 28 triệu đồng. Mặt khác, nếu không tăng cường sử dụng cỏ và các phế phẩm nông nghiệp, mà lạm dụng thức ăn tinh (loại thức ăn dễ gây bệnh acid dạ cỏ, làm giảm tỷ lệ tiêu hoá chất xơ, acid vào máu gây ra một số bệnh liên quan đến sinh sản và hệ móng bò) thì người nuôi lại tăng chi phí cho điều trị bệnh ở bò. Vì phần lớn nguồn nguyên liệu thức ăn tinh và các chất premix, vitamin,… dùng trong chăn nuôi bò sữa phải nhập khẩu, vì thế chi phí đầu vào cho sản xuất rất lớn, giá thành cao gây hạn chế trong cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng cần cải thiện chuồng trại, đưa thiết bị công nghệ vào trồng cỏ, vắt sữa,… Khi đầu tư vào trang thiết bị trồng, cắt, thái cỏ và vắt sữa bò, người nuôi có thể tiết kiệm hơn 50 triệu đồng/năm. Ngược lại, nếu người nuôi bò sử dụng lao động thủ công, sẽ mất khoảng gần 2 triệu đồng/tháng, có trại phải chi gần 2,5 triệu đồng/tháng cho mỗi nhân công, nhưng không theo dõi tốt tình trạng sức khoẻ của bò, có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch từ bò bệnh sang bò lành khi nhân công không vệ sinh kỹ trước khi vắt sữa. Đây cũng là nguyên nhân gây thất thoát chi phí cho việc phòng và chữa bệnh.
Thay thế giống cỏ, giống bò
Giống bò và giống cỏ cho bò tăng năng suất sữa cũng là một giải pháp thiết yếu để tăng lợi nhuận. Giống cỏ cao sản hiện nay đang được các trại sử dụng là Panicum, cỏ hỗn hợp Úc, Brach.Mulato, Brachiaria mutica, ngô và cỏ Avena sativa. Riêng cỏ Avena sativa chỉ trồng thích hợp trong những tháng mùa đông. Thức ăn thô xanh càng ngon, bò ăn càng nhiều, giúp cho sữa thu được nhiều hơn. Đây là những giống cỏ dễ trồng, không cần bón phân hoá học, mà tận dụng ngay phân hữu cơ từ chuồng trại, giúp giảm chi phí cho phân bón cỏ. Đồng thời phải hạn chế tối đa các trạm trung chuyển sữa, vì phải đầu tư chi phí cao cho trạm trung chuyển, từ đó làm giảm lợi nhuận của người chăn nuôi. Các cơ quan chức năng trong ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ nông dân tham gia các tổ hợp tác, HTX thay vì tham gia vào các trạm trung chuyển, tích cực tham gia các hội thi bình tuyển giống bò có chất lượng, sản lượng, năng suất cao, đào thải các giống kém chất lượng; vận động người dân chuyển ruộng lúa có năng suât thấp sang trồng cỏ có năng suất cao. Hội nông dân kết hợp chặt chẽ với thú y để kiểm soát dịch bệnh. Theo ông Đỗ Kim Tuyên, hầu hết bò sữa được lai tạo ở Việt Nam là giống bò HF (chiếm 84,5% đàn bò sữa), các nguồn gen bò sữa cao sản được nhập nội cũng góp phần nâng cáo năng suất và chất lượng giống bò sữa hiện có. Hiện năng suất bò sữa của Việt nam cho từ 4.000 kg - 4.500 kg/chu kỳ. Ngành bò sữa phấn đấu đến năm 2020, năng suất và sản lượng sữa có thể đạt từ 5.500 kg - 6.000 kg/chu kỳ. Số lượng và giống bò sữa hiện nay đã khẳng định bò lai HF là thành tựu khoa học kỹ thuật trong công tác tạo giống bò sữa HF Việt Nam phù hợp với điều kiện sinh thái và khí hậu nhiệt đới. Trong cuộc bình tuyển giống bò cao sản năm 2010, giống bò Mộc Châu đạt năng suất và sản lượng sữa 11.000 kg/chu kỳ, nhưng đây chỉ là một cá thể chưa được nhân rộng. Với khu vực Tp.HCM, chuyển dịch đàn bò vùng ven thành phố ra ngoại thành cũng là biện pháp làm giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực nội thành. Khi đàn bò phân bố rộng nhưng với số lượng nhỏ lẻ, làm cho việc quản lý rời rạc. Từ đó, lượng chất thải từ chuồng trại thải ra môi trường không được xử lý gọn gàng và triệt để. Nếu tập trung đàn bò thành một khu vực, đặc biệt là nuôi bò ở khu vực thưa dân cư, sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời có thể sử dụng chất thải chuồng trại làm khí đốt sinh học (biogas), vừa tiết kiệm chi phí cho năng lựong và khí đốt duy trì chuồng trại, vừa sử dụng để bón, tưới cho đồng cỏ. Bà Phạm Kim Lê, chủ trang trại bò sữa Thanh Phú, ấp Xóm Đồng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi đang nuôi 79 con bò, trong đó có 29 con cho sữa, nhưng tổng thu nhập từ 29 con bò này lại có thể nuôi 50 con bò còn lại và trả tiền nhân công trong một tháng. Trại bò Thanh Phú hiện có 10 nhân công, chuyên cắt cỏ, thái cỏ, mức lương trả cho mỗi người là 2,4 triệu đồng/tháng. Trại đang sử dụng thiết bị vắt sữa bò để bảo đảm chất lượng sữa. Theo bà Lê, khi sử dụng thiết bị làm cỏ, máy cắt cỏ, mỗi tháng tiết kiệm được 24 triệu đồng, ngoài các khoản thu khác từ bán sữa, bán bê con. Dự báo đến năm 2020, tổng đàn bò sữa của cả nước sẽ tăng lên 470.000 con, sản lượng sữa từ 950.000 tấn đến 1 triệu tấn/năm, có thể đáp ứng từ 35% - 38% nhu cầu tiêu dùng sữa của người Việt Nam, số còn lại vẫn phải nhập từ nước ngoài./.