Giải pháp cho hộ nông dân
Chăn nuôi bò sữa ở thái lan
1. Số lượng bò sữa
Năm 2008, Thái Lan có khoảng 489.593 con, trong đó miền Bắc có 42.918 con (8,77 %), miền Đông Bắc có 101.942 con (20,82 %), miền Trung có 339.795 con (69,40 %) và miền Nam có 4.938 con (8,6%). Nếu so sánh với Việt Nam, thì ở Thái Lan bình quân cứ 122 người có một bò sữa trong khi con số này ở Việt Nam là 796 người có một con bò sữa. Điều này cho thấy chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng sữa ở nước ta.
2. Quy mô chăn nuôi
Chăn nuôi bò sữa ở Thái Lan chỉ tồn tại ở phương thức chăn nuôi trang trại nhưng có quy mô khác nhau:
- Trang trại có quy mô dưới 10 con bò sữa chiếm 24,55%;
-Trại trại nuôi từ 11-20 con chiếm 27,61%;
-Trang trại có quy mô trên 20 con chiếm 47,84%.
Như vậy, chăn nuôi bò sữa ở Thái Lan chủ yếu tập trung ở các trang trại chăn nuôi nhỏ có quy mô dưới 20 con nhưng được chăn nuôi theo kiểu thâm canh. Chính phủ Thái đang có chính sách ưu tiên, khuyến khích người chăn nuôi mở rộng sản xuất, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Người chăn nuôi bò sữa được hỗ trợ tinh cho thụ tinh nhân tạo, vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm cho bò, đào tạo, tập huấn và xúc tiến thương mại. Nhà nước cũng đầu tư cho các chương trình nghiên cứu và phát triển liên quan đến bò sữa như chọn tạo giống, dinh dưỡng và thức ăn, quản lý trang trại, cải tiến năng suất và chất lượng sữa. Tổng cục Phát triển chăn nuôi xây dựng các chính sách về an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, xây dựng các tiêu chuẩn trang trại bò sữa.
Trong quá trình phát triển chăn nuôi bò sữa, Thái Lan đã hình thành lên những công ty chăn nuôi, tập đoàn chăn nuôi lớn, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như CP, Tập đoàn Chok Chai (FARM CHOK CHAI GROUP) ở tỉnh Nakhon Ratchasima. Đây là tập đoàn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam châu Á. Tập đoàn này hiện đang sở hữu 8.000 ha đất, có lực lượng lao động 2.400 người, với tổng đàn bò sữa hiện có là 3.000 con. Đàn bò có tỷ lệ 70% giống HF do Tập đoàn chọn tạo ra thích nghi cao với điều kiện tự nhiên ở Thái Lan và 30% bò là HF thuần. Tập đoàn khép kín toàn bộ quá trình sản xuất từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm đầu ra.
3. Sản lượng và giá các sản phẩm
3.1. Sản lượng
Kinh tế và thu nhập tăng nên người dân Thái tiêu dùng ngày càng nhiều sữa và các sản phẩm sữa. Xem chi tiết ở Bảng 3 về sản lượng sữa tiêu dùng và lượng sữa tiêu dùng/đầu người/năm. Số liệu từ bảng này cho thấy, tổng sản lượng sữa tiêu dùng và lượng sữa tiêu dùng/người/năm tăng tương ứng là 6,2% và 5,7%. Sữa tiêu dùng ở đây bao gồm sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa chua và yogurt.
Sản xuất sữa trong nước ở Thái Lan chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước, tỷ lệ này tương đương với Việt Nam, nhưng nước bạn có sản lượng sữa tiêu dùng và lượng sữa tiêu dùng tính trên đầu người cao hơn Việt Nam.
3.2. Giá sữa
Giá thu mua sữa nguyên liệu (sữa tươi) tại cổng trang trại là khoảng 15,6 bạt/kg (≈ 8.986 VNĐ/kg), giá thu mua tại các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa là 16,5-
17 bạt/kg (≈9.504 – 9.792 VNĐ/kg). Tuy nhiên, giá sữa đến tay người tiêu dùng chỉ khoảng 25 bạt/kg (≈ 24.400 VNĐ/kg). Như vậy giá trị giá tăng của sản phẩm sữa từ nguyên liệu đến sản phẩm sữa tiêu dùng là khoảng 153%, trong khi con số này ở Việt Nam hiện tại là 227% (giá sữa nguyên liệu khoảng 8.000 đ/kg; giá sữa tiêu dùng là 18.000 đ/kg). (Tỷ giá 1USD=30 bạt=19.000 VNĐ).
3.3 Giá bò sữa
4. Giống bò sữa
Thái Lan cũng như Việt Nam không có giống bò sữa bản địa. Bò sữa được nhập khẩu từ châu Âu vào đầu thế kỷ 20 nhưng chăn nuôi bò sữa mới phát triển từ những năm 1960. Các giống thuộc loài Bos taurus được nhập khẩu gồm: Red dane, Holstein Friesian, Jersey và Brown swiss. Thái Lan sử dụng đàn bò cái nền Zebu lai với các giống bò ngoại. Hiện nay, Thái Lan có chiến lược quốc gia lựa chọn Holstein Friesian là giống chính cho Chương trình quốc gia cải tạo đàn bò sữa. Giống bò sữa được sử dụng phổ biến ở Thái Lan là giống bò HF nhiệt đới (HF của Thái Lan) và giống bò Zebu hướng sữa của Thái Lan. Sau đây là một đặc điểm của 2 giống này:
Giống bò sữa HF nhiệt đới THF của Thái Lan Giống bò Zebu hướng s ữa TMZ của Thái Lan
5. Nuôi dưỡng và chăm sóc
Người chăn nuôi bò sữa ở Thái sử dụng 3 loại thức ăn thô xanh gồm cỏ tươi, thức ăn ủ chua hoặc cỏ khô và các phụ phẩn nông nghiệp. Cỏ Napier, Pangola và Ruzi là 03 loại cỏ trồng chủ yếu ở Thái. Thân ngô có bắp non, cỏ khô Pangola và Ruzi được sử dụng để chế biến, ủ chua cho bò ăn. Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân ngô, lõi bắp ngô ngọt, vở dứa và vỏ khoai tây là những phụ phẩm nông nghiệp được sử dụng phổ biến làm thức ăn chăn nuôi.
Vào mùa mưa, bò được thả trực tiếp vào rộng cỏ trồng để gặm cỏ tươi hoặc cỏ tươi được cắt đem về chuồng cho bò ăn. Mùa khô, khi cỏ xanh khan hiếm, thì bò được cho ăn cỏ ủ chua và cỏ khô. Bò còn định kỳ được cho ăn ngô trỗ bắp non ủ chua (ngô cắt sau 40 ngày nẩy nầm). Nhờ cách thức nuôi dưỡng này mà người chăn nuôi có thể vắt sữa gần như quang năm.
Thức ăn đậm đặc cũng được sử dụng ở dạng viên nén và dạng bột từ các nhà máy hoặc các hợp tác xã sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thức ăn dạng bột đối khi do chính người chăn nuôi phối trộn ra.
Bò đôi khi cũng được cho ăn thêm thức ăn bổ sung như như sắn, hạt bông nguyên hạt. Tuỳ thuộc vào từng loại bò mà có tỷ lệ cân bằng khác nhau giữa thức ăn thô xanh và thức ăn đặm đặc. Bò đang vắt sữa hoặc bê được cho ăn thức ăn đặm đặc chứa 20% prôtein thô, trong khi bò cái tơ và bò cái ở giai đoạn không vắt sữa được cho ăn thức ăn đậm đặc chứa 16% protêin thô.
6. Sản xuất và phân phối tinh đông lạnh
6.1. Sản xuất và phân phối tinh bò trong nước
Ở Thái Lan, tinh bò được sản xuất trong các cơ sở giống của nhà nước hoặc tư nhân (chỉ yếu là các tập đoàn chăn nuôi). Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan là đơn vị chủ quản của Cục Công nghệ sinh học trong chăn nuôi. Cục này quản lý Trung tâm quốc gia sản xuất tinh đông lạnh LamphayaKlang, ở tỉnh Lopburi. Trung tâm này có 24 trạm sản xuất tinh thụ tinh nhân tạo ở các tỉnh khác nhau thuộc cả 4 vùng: Bắc, Đông Bắc, Trung và Nam. Trung tâm này có các chức năng như sau:
- Chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện bò đực giống để sản xuất tinh đông lạnh;
- Sản xuất tinh đông lạnh cọng rạ;
- Tổ chức ngân hàng tinh bò cho tất cả các trạm thụ tinh nhân tạo trên toàn quốc;
- Nghiên cứu chuyên sâu về bò đực giống, tinh trùng và bò đực học;
- Bảo tồn, sản xuất tinh đông lạnh từ các giống bò đực bản địa;
- Tập huấn và nghiên cứu cho sinh viên, cán bộ chăn nuôi.
Đối với bò sữa, Trung tâm này đã hoàn thiện được toàn bộ quy trình kiểm tra qua đời sau đối với bò đực giống và cấp phép cho các bò đực giống được cung cấp tinh trên thị trường. Trung tâm này cũng đã nghiên cứu và áp dụng thành công về sản xuất tinh đông lạnh và thụ tinh nhân tạo cho trâu và dê, cừu.
Số liệu từ Bảng 3 cho thấy, tổng lượng tinh sản xuất từ Trung tâm không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vì vậy, DLD đã mua tinh từ các trung tâm tinh bò đông lạnh ở các công ty, tập đoàn chăn nuôi lớn như Chok Chai Group để phục vụ sản xuất.
Tinh bò sữa đều được các trạm thụ tinh nhân tạo thuộc mạng lưới của Trung tâm này cấp phát miễn phí cho người chăn nuôi tại các hộ gia đình và trang trại. Người chăn nuôi được Chính phủ Thái hỗ trợ thông qua DLD gồm:
- Tinh đông lạnh và dụng cụ gieo tinh nhân tạo;
- Vắc xin cho các loại bệnh nguyên hiểm trên gia súc ăn cỏ;
- Đào tạo, tập huấn, tiếp cận thị trường.
Tinh bò trong nước có giá khoảng 200 bạt/liều (tương đương 113.400 VNĐ) đối với những bò đực đứng đầu bảng xếp hạng giống hàng năm. Giá tinh bò của các bò đực giống được chứng nhận của DLD khoảng 100 bạt/liều (57.600 VNĐ) và giá tinh của các bò đực giống từ các hợp tác xã khoảng 35bạt/liều (19.840 VNĐ).
6.2. Một số đặc điểm về thụ tinh nhân tạo
Áp dụng công nghệ sinh học trong sinh sản ở bò sữa đã có những bước phát triển nhất định ở Thái Lan trong 50 năm vừa qua thể hiện qua một số chỉ tiêu sau:
- Công nghệ phân giới tinh trùng đã được nghiên cứu và thử nghiệm thành công ở Tập đoàn Chok Chai với tỷ lệ thành công là 40%; tập đoàn này cũng đã thành công ở giai đoạn ban đầu với công nghệ truyền cấy phôi và đang đưa ra thử nghiệm trong sản xuất.
- Tỷ lệ thành công trong thụ tinh nhân tạo đối với bò sữa thịt là 60-70%; Chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho thụ tinh nhân tạo bò sữa là 1,6 liều tinh/bê sinh ra.
- 99 % bò sữa ở Thái Lan được thụ tinh nhân tạo trong khi bò thịt chỉ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng đàn.
- Tỷ lệ bò sữa lai có trên 75% máu HF là 99% trong khi đó tỷ lệ bò thịt lai ở các tỷ lệ máu ngoài khác nhau chỉ đạt 25-30% tính trên tổng đàn (9 triệu con)./
Nguồn: TS. Tống Xuân Chinh, Cục Chăn nuôi
Ý kiến của bạn
Bài viết khác