Giải pháp cho hộ nông dân

Bò sữa là đầu cơ nghiệp

Sau bao thất bại cay đắng, thậm chí trắng tay, nghề chăn nuôi bò sữa đã trở thành "đầu cơ nghiệp" của nông dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc); nhiều hộ đã thành đại gia bò sữa. Con bò sữa đã trở thành một cỗ máy, kéo cả nền kinh tế nông nghiệp của huyện đi lên.

Bò sữa "chữa" nghèo

 

 

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Tường hồ hởi cho biết, nghề chăn nuôi bò sữa trong huyện đã có từ những năm 2000. Ban đầu một vài hộ đi mua giống từ các địa phương khác về để nuôi. Cứ thế, bò mẹ đẻ bê con, số lượng đầu bò tăng dần. Một hộ làm ăn hiệu quả, nhiều hộ tìm đến học theo. Mô hình chăn nuôi bò sữa lan ra như nấm sau cơn mưa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tính đến thời điểm hiện tại, số đầu bò của toàn huyện đạt 2.500/600 hộ chăn nuôi. Sản lượng sữa cung cấp ra thị trường ước đạt gần 4.000 tấn/năm. Từ những hiệu quả mà con bò sữa mang lại, Vĩnh Tường đang tiếp tục triển khai rất nhiều biện pháp để bò sữa trở thành đầu cơ nghiệp cho người nông dân. “Chúng tôi đang phấn đấu từ nay đến năm 2015 sẽ tăng số đầu bò lên 4.000 con”, ông Quỳnh chia sẻ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, nhiều người chăn nuôi đã trải qua bao thất bại cay đắng, suýt lụi bại vì con bò sữa. Giữa trưa nắng chang chang, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Thảo của Phòng NN-PTNT huyện dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi ở xã Vĩnh Thịnh. Đây là xã đi đầu trong mô hình nuôi bò sữa của huyện cũng như cả tỉnh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhìn ngôi nhà ba tầng còn hơi mùi vôi vữa khang trang của gia đình anh Đỗ Gia Phong, thôn An Lão Ngược, ít ai ngờ rằng, chỉ suýt nữa là cả nhà anh phải phá sản vì con bò sữa. Anh Phong bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 2001. Ban đầu, anh chọn mua một con bò cái lấy giống tận trong Nam. Nuôi vài năm, khi bò cái đến kì sinh sản, anh liền cho phối giống với bò đực.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Đàn bò của gia đình anh Đỗ Gia Phong

 

 

 

 

 

 

 

“Khi đó bò cái còn hiếm, con bò nhà tôi lại sinh tiếp được một con bê cái nên cả nhà vui mừng đến độ mất ăn mất ngủ chú ạ”, anh Phong tươi cười nhớ lại. Lúc cao điểm nhất, trong chuồng nhà anh có 11 con bò sữa trưởng thành. Nhưng sự may mắn đó không được kéo dài. Đàn bò bỗng dưng có một con bị đổ bệnh, bỏ ăn, sút cân rồi nằm bẹp. Anh cho uống bao nhiêu thuốc, mời bác sĩ thú y về chữa trị vẫn không ăn thua. Con bò cứ thế ốm yếu dần rồi chết trong sự xót xa của gia đình.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mà kể cũng lạ, cả đàn chỉ có duy nhất một con đổ bệnh mà không lây nhiễm sang cả đàn trong khi được nuôi nhốt chung. Tưởng chừng “vận hạn” đã qua, anh Phong nghĩ, thôi coi như của đi thay người. Nhưng rồi, năm nào đàn bò nhà anh cũng có 1 con đang khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra ốm rồi chết.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong 10 năm liền, nhà anh Phong bị chết đến 10 con bò sữa trưởng thành. Chuyện nuôi bò sữa của gia đình anh khiến cả xã... xót theo. Cán bộ thú y đã bó tay, gia đình anh tiếc công, xót của mà không nói được gì.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Nhiều đêm anh nằm vắt tay lên trán thắc mắc, tại sao lại chỉ có một con bị bệnh, lại cùng một vị trí”, anh Phong nhớ lại. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, anh chợt vùng dậy chạy ra chỗ những con bò bị bệnh rồi chết. Sáng hôm sau, anh cùng mấy người hàng xóm dùng xà beng phá tung chỗ đó lên để kiểm tra. Cả anh và mọi người ngã ngửa, ngay dưới nền chuồng là một hố phân gà đang phân hủy.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

“Thế mà tôi không nghĩ ra, trước đây đó chính là hố phân gà. Khi nuôi bò, nhà tôi chỉ lấp đất qua loa rồi cho đổ nền luôn”, anh Phong như bừng tỉnh. Vậy là anh lại hì hục đào hết đất chỗ đó lên, tạo thành một cái hố sâu. Tiếp đó, anh ra chợ mua vôi sống về rồi tôi nóng sùng sục mới lấp đất, san nền.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kỹ sư Thảo bảo, chuyện nuôi bò sữa nhà anh Phong đúng như một câu chuyện truyền kỳ. Từ khi xử lý xong “ổ dịch”, đàn bò nhà anh lại phát triển bình thường, tuyệt nhiên không có con nào bị bệnh tật như trước. Hiện anh duy trì đàn bò 9 con, trong đó 8 con đang cho sữa, 1 con đang nuôi bê. Trung bình 1 ngày vắt được 70 kg sữa. Với giá sữa hiện nay là 12.000 đ/kg, mỗi tháng thu về khoảng 35 -50 triệu đồng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Anh Phong hồ hởi chia sẻ, trong số 9 con bò nhà anh thì có một con thuộc diện “cao sản” nhất xã. “Chú có tin không, một ngày nó có thể cho 40 kg sữa, vắt đến 8 - 9 tháng, lượng sữa vẫn đạt hơn 30 kg/ngày”, anh Phong tươi cười. Nói đoạn, anh dẫn chúng tôi ra xem chiếc “máy SX sữa” của mình. Con bò này nặng đến hơn 6 tạ, một ngày ăn hết 40 kg thức ăn cả cỏ, ngô xay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cách không xa nhà anh Phong, chúng tôi tìm đến một đại gia bò sữa khác là ông Đỗ Gia Việt ở cùng thôn An Lão Ngược. Gia đình ông Việt bắt đầu nuôi bò sữa từ những năm 2001. Đến nay, trong chuồng nhà ông luôn duy trì được 11 con cho vắt sữa thường xuyên. 1 ngày đàn bò nhà ông cho 140 kg sữa.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ông Đỗ Gia Việt đang cho bò ăn

 

 

 

 

 

 

 

Rút kinh nghiệm từ hộ anh Phong, ông Việt đã xử lí vệ sinh một cách triệt để. Từ chuồng trại, dụng cụ vắt sữa, chất thải đều được dọn dẹp thường xuyên. “Bao nhiêu chất thải tôi cho đẩy hết xuống hố biogas. Bây giờ nhà tôi có phải dùng ga và điện lưới mấy đâu, nguồn biogas cung cấp cho thắp sáng, quạt mát, bình nóng lạnh mà vẫn thừa”, ông Việt chia sẻ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Người dân làm hầm Biogas để sử dụng, tránh ô nhiễm môi trường

 

 

 

 

 

 

 

Từ năm 2011, gia đình ông được chọn để xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAHP do Trung tâm Nghiên cứu bò & đồng cỏ Ba Vì triển khai. Theo đó, mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/con giống cùng 2 tạ cám gia súc. Ngoài ra, còn được tập huấn kỹ thuật thường xuyên, đảm bảo chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt VietGAHP.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Yên tâm chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, năm 2012, cả xã có tổng đàn trâu bò là 3.661 con. Trong đó, bò sữa 1.794 con, tăng 353 con so với năm 2011. Số bò sữa cho vắt thường xuyên là 880 con, sản lượng sữa năm 2012 đạt 4.450 tấn, vượt 22% so với cùng kỳ năm 2011.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một con số đáng kinh ngạc đó là, giá trị SX từ chăn nuôi bò sữa chiếm đến gần 50% tỷ trọng nông nghiệp toàn xã. “Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi bò sữa nhưng phải đảm bảo yếu tố môi trường”, ông Hòa cho biết thêm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò sữa

 

 

Xác định chăn nuôi bò sữa là hướng đi đúng đắn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2011 - 2015 với tổng số vốn đầu tư 45 tỷ đồng. Tại Vĩnh Tường, dự án đã được thực hiện trên 10 xã gồm: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường, Phú Đa, Phú Thịnh, Cao Đại, Bình Dương, Tân Cương, Tuân Chính, Tam Phúc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dự án sẽ hỗ trợ nông dân mua mới 1.000 con bò sữa để phát triển chăn nuôi bò sữa sinh sản. Ngân sách tỉnh hỗ trợ mua vật tư phục vụ thụ tinh nhân tạo cho bò sữa: 50% về tinh bò sữa, tinh HF giới tính cái nhập ngoại; 100% nitơ lỏng, găng tay, ống ghen cho thụ tinh nhân tạo; 100% vacxin lở mồm long móng, hóa chất khử trùng tiêu độc và tiền công thực hiện; hỗ trợ toàn bộ về vật tư dụng cụ để bình tuyển gắn số tai cho đàn bò sữa...

 

 

 

 

 

 

 

Ông Nguyễn Văn Quỳnh cho biết thêm, dự án này con được sự hỗ trợ của Cty Cổ phần Sữa quốc tế IDP. Theo đó, IDP sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/con bò giống không lãi suất với thời gian vay từ 12 - 18 tháng cho những hộ mua mới bò sữa về chăn nuôi, khai thác sữa; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, huấn luyện nghề chăn nuôi bò sữa cho những hộ có nhu cầu. Đồng thời IDP cũng bao tiêu toàn bộ đầu ra của sữa, người dân hoàn toàn có thể yên tâm phát triển con “đầu cơ nghiệp”.

Nguồn: technoaid.org
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác