Giải pháp cho hộ nông dân

10 bò sữa lãi 100 triệu/năm

Ông Trần Văn Kỳ, có bố mẹ là cán bộ của Trung tâm này từ năm 1963, cho biết:

- Đàn bò của các hộ được hình thành từ 3 nguồn. Thứ nhất là “bò nhà nước”, tức là bò do Trung tâm Nghiên cứu bò & đồng cỏ Ba Vì giao cho dân nuôi theo hình thức khoán. Dân nuôi bò, khi bò đẻ ra bê thì bê đó cũng là bê nhà nước. Người nuôi chỉ được hưởng tiền tăng trọng của bê. Thứ hai là “bò hợp tác xã”. Bò do dân bỏ tiền ra mua, nhưng hoạt động ở HTX. HTX này cũng do Trung tâm quản lý. Và thứ ba là bò riêng, tức là bò do dân bỏ tiền ra mua nhưng không hoạt động trong HTX.

Hỏi ngoài tiền tăng trọng bê và sữa ra, người nuôi còn được hưởng gì nữa? Đáp rằng, loại bò hình thành từ 2 nguồn đầu được Trung tâm hỗ trợ thức ăn tinh, cỏ khô, được Trung tâm cho mượn đất trồng cỏ nuôi bò. Với bò riêng, tuy người nuôi không được Trung tâm cho mượn đất trồng cỏ, nhưng nếu người nuôi nhập sữa cho Trung tâm thì cũng sẽ được được hỗ trợ thức ăn tinh, cỏ khô (cho không), được Trung tâm phối giống bò miễn phí, cho hoàn toàn vắc xin tiêm phòng và nếu chẳng may bò ốm thì chỉ mất tiền mua thuốc, còn công điều trị cho bò được Trung tâm hỗ trợ.

- Như vậy khi giao bò cho dân nuôi theo hình thức khoán, thì Trung tâm sẽ được gì?

Trả lời câu hỏi trên của chúng tôi, Thạc sỹ Phùng Quang Trường, cán bộ của Trung tâm, cho biết: Cái được thứ nhất của Trung tâm là giữ được đàn giống gốc cho nhà nước và thứ hai là có tư liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu các đề tài khoa học.

Nhà ông Kỳ 4 khẩu, được Trung tâm cho mượn 3.000 m2 đất trồng cỏ, nuôi 10 con bò lai F3, trong đó 4 con đang cho sữa, 3 con đang chửa, 1 bò già và 2 bê. Với 4 con bò đang vắt sữa, ngày cao nhất vắt 1 con được 25 kg, còn bình quân cho cả chu kỳ, thì lượng sữa mỗi con là 18 kg/ngày.

Mỗi tháng bình quân gia đình ông giao cho Trung tâm trên 2 tấn sữa, với giá dao động từ 12.500 - 12.600 đồng/kg. Hàng năm, tổng thu từ tiền sữa, tiền tăng trọng bê của gia đình vào cỡ 300 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, lãi ròng còn lại 1/3. Ông Kỳ bảo:

- Đấy là phần thu chính, ngoài ra, còn một số khoản thu phụ nữa. Trồng cỏ nuôi bò không bao giờ phải dùng các loại phân hóa học, vì đã có phân bò. Bón loại này cỏ tốt bền, cho năng suất cao hơn bón phân hóa học nhiều. Phân và nước giải của bò còn là nguồn khí ga, đun “tẹt ga” không hết.

Chỉ riêng khoản này hằng năm đã tiết kiệm được 5 - 6 triệu đồng tiền khí đốt. Bón cỏ và làm nguyên liệu cho hầm biogas vẫn chưa hết nguồn phân bò, cứ 5 ngày gia đình tôi lại dư được 1 m3 phân, người mua đến tận nhà mua với giá 140.000 đồng/m3.

Cũng nuôi 10 con bò như nhà ông Kỳ, gồm 5 con “bò nhà nước” và 5 con “bò hợp tác xã”, nhưng đàn bò nhà chị Nguyễn Thị Chức hiện có 6 con đang cho sữa, bình quân mỗi ngày 1 con cho 16 kg sữa. Với 6 con bò ấy, mỗi tháng gia đình chị bán gần 3 tấn sữa cho Trung tâm, hằng năm cho lãi ròng trên 100 triệu.

Ngoài diện tích đất do Trung tâm cho mượn trồng cỏ, gia đình chị còn mua thêm đất để trồng trên 7.000 m2 cỏ và 3.000 m2 sắn. Ngoài cỏ, thì thân sắn, lá sắn, củ sắn, và cả những thân chuối nữa... đều là thức ăn của bò.

Không chỉ con em của những cán bộ công nhân viên trước đây từng công tác ở Trung tâm, hiện đã nghỉ hưu mới nuôi bò, mà nhiều cán bộ đang công tác ở Trung tâm cũng “tranh thủ” nuôi. Thạc sỹ Phùng Quang Trường hiện nuôi tới 30 con. Nhà anh trồng tới 3 ha cả cỏ cả sắn và có hệ thống ủ chua thức ăn cho bò khá hoàn chỉnh. Trường cho biết, được nuôi bằng thức ăn ủ chua, bò cho sữa nhiều hơn hẳn khi chỉ được nuôi bằng thức ăn thường. Bình quân mỗi tháng, gia đình anh Trường nhập cho Trung tâm trên 6 tấn sữa.

Tổng đàn bò giống gốc được Trung tâm giao cho dân nuôi đã trên 1.300 con. Với mức thu nhập và mức lãi như trên, người nuôi bò ở Vân Hòa hiện nay có đời sống khá sung túc.

Nguồn: vcn.vnn.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác