Chăn nuôi bò sữa
Dù không bị thua trên sân khách như nhiều mặt hàng nông sản khác, nhưng ngành chăn nuôi đang có dấu hiệu thua ngay trên sân nhà, bởi các sản phẩm thực phẩm ngoại nhập.
Đó là thực tế đáng quan ngại. Trong tuần qua, một hội thảo đã được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức. Đó là Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và triển khai các nhiệm vụ cấp bách 6 tháng cuối năm 2015.
Điều đáng chú ý tại Hội nghị này là sự thẳng thắn và những chỉ đạo bất ngờ và quyết liệt của chính Bộ trưởng Cao Đức Phát. Thậm chí, ông đã gọi Hội nghị này là “hội nghị Diên Hồng” của ngành chăn nuôi. Đây có thể hiểu là thông điệp của người đứng đầu ngành nông nghiệp. Quy mô manh mún, nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Khi Hiệp định TPP được ký kết, thuế nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước sẽ đứng trước nguy cơ đáng báo động nhất so với các ngành nông nghiệp khác, doanh nghiệp ngành chăn nuôi là đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình mở cửa thị trường, và hàng chục triệu hộ chăn nuôi trước sức ép chuyển đổi ngành nghề.
Là một nước mạnh về nông nghiệp nhưng Việt Nam luôn phải đau đầu với bài toán nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng như các nguyên liệu đậu nành, bắp. Đây là một thực tế đáng báo động cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Vì vậy, việc gấp rút tái cấu trúc toàn diện để có thể thúc đẩy chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại vẫn đang là bài toán khó đối với những người làm chính sách.
Chia sẻ trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này, TS. Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện chăn nuôi cho biết: “Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng sau 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng đã có bước phát triển tương đối khá. Cho tới nay, sản lượng ngành chăn nuôi đã cung cấp được phần lớn nhu cầu về thịt, trứng và sữa tiêu dùng trong nước.
Nếu so sản lượng từng ngành hàng một thì tỷ lệ nhập khẩu rất thấp”. “Tuy nhiên, ngành chăn nuôi hiện còn 4 nút thắt lớn. Một là về con giống. Hai là năng suất, chất lượng và giá thành chưa cạnh tranh được. Ba là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của sản xuất trong nước. Nút thắt thứ 4 là thủ tục hành chính gây phiền nhiễu cho người chăn nuôi”, ông Nguyễn Thanh Sơn phân tích.Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi hầu như đã được kiểm soát, giúp mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi luôn trên 4%, trong đó 6 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng đã đạt 4,8%.
Đây cũng là mức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh nền nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều vướng mắc để ngành chăn nuôi trụ vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chính phủ cần có nhiều chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi, nhằm giúp ngành này phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay. “Trong những năm gần đây, một số tập đoàn lớn đầu tư vào chăn nuôi là một tín hiệu tích cực cho ngành” – TS. Nguyễn Thanh Sơn phân tích – “Với cách làm của một số doanh nghiệp trong thời gian qua như đầu tư con giống tốt, công nghệ cao, nuôi theo quy trình công nghệ tiên tiến, chắc chắn rằng sẽ giảm được giá thành của sản phẩm, đặc biệt là thịt bò. “Tuy nhiên, nếu chỉ trông mong vào một vài doanh nghiệp lớn thì cũng khó tạo ra một bước đột phá cho ngành trong thời gian lớn. Vì vậy, điều quan trọng là Chính phủ phải có chính sách để lôi cuốn, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi”.