Các tỉnh phát triển ngành sữa
Từ trưởng thôn tới hộ chăn nuôi bò sữa
Anh Ka Út là Trưởng thôn D’Ròn từ lâu, từ khi còn là “làng D’Ròn cũ”, bây giờ đã là hồ chứa nước Đạ Ròn. Làm trưởng thôn, lại là người con của làng, anh gắn bó sâu sắc với bà con và cũng hiểu thấu từng hoàn cảnh gia đình cũng như tâm sự của dân làng. Bởi vậy, dân làng tin anh, làm theo anh. Anh kể: “Hồi chính quyền có chủ trương di dời về làng mới để xây hồ chứa nước, bà con băn khoăn lắm, vì không biết tương lai sẽ thế nào. Mình đi vận động mãi, vận động mãi, giải thích cho bà con về chính sách, động viên bà con tin vào Đảng, vào Nhà nước. Rồi để làm gương, chính gia đình mình di dời đầu tiên. Thế là bà con yên tâm, tất cả đều nhanh chóng về xây dựng nhà cửa ở làng D’Ròn mới như hôm nay”. Đó là năm 1998, năm thành lập làng D’Ròn bây giờ.
Đúng 10 năm sau, cả làng lại tiếp tục một cuộc xáo trộn mới bởi diện tích đất sản xuất được thu hồi xây dựng công trình sân golf Đạ Ròn. Lúc này thì dân đã tin, không gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng nhưng chuyện tiền đền bù khá phức tạp. Mới đầu, có những hộ đòi đền bù tới 50, 60 triệu/1.000 m2 đất hoa màu. Anh Út lại cùng chính quyền đứng ra phân tích với bà con rằng đòi hỏi quá nhiều cũng không ổn, phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Và vì anh cũng là người làng, bản thân gia đình nhận tiền đền bù chung với mọi người nên dân tin, cuối cùng thống nhất được mức giá 20 triệu đồng/1.000 m2. Mỗi hộ có mấy trăm triệu đồng, anh lại cùng chính quyền tính toán giúp bà con gửi ngân hàng để bà con xây nhà, mua ruộng, làm vườn xây dựng kinh tế gia đình chứ không tiêu xài hoang phí, hết tiền mà không có nguồn sống. Từ đó, thôn D’Ròn hôm nay mượt mà một vùng xanh màu xanh của cà chua, xà lách, cải…, cuộc sống ổn định và no ấm. Kinh tế ổn định, anh Ka Út lại giữ vai trò trung gian hòa giải trong những mâu thuẫn của xóm làng, chủ yếu là vấn đề luật tục, mâu thuẫn gia đình, láng giềng… Với vai trò trưởng thôn, anh Út luôân đồng hành cùng bà con vì một thôn D’Ròn tương lai giàu đẹp hơn.
Làm trưởng thôn giỏi, được dân tin, còn nông dân anh Út cũng giỏi không kém. Có tiền đền bù, anh mua ruộng làm lúa nước, cải tạo đất trồng cà chua, xà lách, rau cải gối vụ liên tiếp. Anh tính toán, 3 sào cà chua của gia đình mỗi vụ có thể cho thu 40-50 triệu đồng, một năm/3 vụ thu trăm triệu có dư. Thấy trong xã có nghề nuôi bò sữa rất phát triển, anh và mấy chục bà con đi học nghề. Ba tháng liền, cả lớp học từ lý thuyết đến thực hành, cảm thấy nắm kha khá kỹ thuật, anh Út mạnh dạn mua bò và xuống giống 3 sào cỏ voi. Đôi bò tơ có giá 30 triệu, sau hơn 1 năm nuôi bắt đầu sinh sản và cho sữa. Hiện tại, chuồng bò nhà anh có 5 con bò sữa, 2 con đang cho sữa với sản lượng bình quân 45 kg/ngày. Anh nuôi bò rất bài bản, có từ máy vắt sữa, máy băm cỏ…, tính toán cẩn thận lượng thức ăn cũng như tình hình sức khỏe của bầy bò. Anh bảo: “Bò sữa khó nuôi nhưng có lời nhiều hơn trồng rau. Ngoài nhà tôi còn 5 hộ khác đang nuôi bò sữa và sắp tới nhiều hộ nữa cũng mua bò về phát triển”. Tuy không nói thu nhập nhưng nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình, ai cũng thấy sức làm ăn của anh khá đến mức nào. Bởi vậy, ông Bùi Ngọc Cận, Chủ tịch xã Đạ Ròn cười nhận xét: “Ka Út là người có học, làm cái gì cũng giỏi, làm trưởng thôn thì được dân tin, truyền đạt pháp luật tốt, vận động dân tốt. Làm nông dân thì sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng và là tấm gương để nhiều bà con học theo. Giá ở xã tôi thôn nào cũng có trưởng thôn như Ka Út thì tốt quá”.
Tuổi chưa cao (sinh năm 1965) nhưng Ka Út đã thể hiện được vai trò của mình trong đời sống dân làng D’Ròn. Ông trưởng thôn giỏi cả việc làng, giỏi cả việc nhà vẫn lẳng lặng cùng gia đình, bà con xây đắp cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, cho thôn D’Ròn ngày càng trù phú ấm no.
Diệp Quỳnh