Các tỉnh phát triển ngành sữa
Tiền Giang- Đồng vợ, đồng chồng: Làm nên sự nghiệp
Được biết, gia đình anh Trường và chị Huệ trước kia ngụ ấp Tân Thạnh (cùng xã), anh làm nghề thợ bạc. Mặc dù nghề làm đồ nữ trang vào thời điểm "hoàng kim", thu nhập khá, nhưng với anh thì cảm thấy không thoải mái, vì tối ngày bị "giam hãm" trong cái không gian nhỏ hẹp với những ánh đèn vàng vọt, thế là anh quyết định chuyển nghề, đùm túm gia đình về đây mua đất, lập trang trại chăn nuôi hơn 10 năm nay. Bây giờ trang trại nuôi bò sữa của anh mở rộng qui mô: Trong chuồng hiện có 75 con bò sữa, trong đó có 50 con đang cho sữa, còn lại là con giống hậu bị.
Chị Huệ cho biết, thời gian sau này giá sữa tương đối ổn định, công ty thu 14.000 đồng/kg; mỗi ngày vắt 2 cữ, sáng và chiều, khoảng trên dưới 500 kg, thu khoảng 7 triệu đồng. Lúc đầu, gia đình chị làm ăn khá vất vả, bởi có lúc giá sữa công ty mua rẻ, bán không lời, có khi còn lỗ, vì thế mà người nuôi nhỏ lẻ phải chuyển nghề. "Nguyên nhân là mình không nắm vững quy trình về chăn nuôi bò sữa, nên sữa không đạt chất lượng theo hợp đồng. Sau này nhờ hợp đồng giao sữa cho Công ty Vinamilk, thuộc khách hàng "truyền thống", nên được Công ty cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, dinh dưỡng, nhất là khâu vệ sinh chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ, không nhiễm khuẩn, do vậy mà sữa luôn đạt chất lượng bán có lời" - chị Kim Huệ chia sẻ.
Với sự cần cù lao động, chí thú làm ăn, cộng với lòng đam mê, anh Trường và chị Huệ cố gắng duy trì đàn bò sữa, vượt qua những lúc khó khăn, năm ba năm trở lại đây giá sữa ổn định, giúp anh chị từng bước vươn lên làm giàu.
Anh Tuấn