(Baonghean) - Nhờ thực hiện tốt công tác quy hoạch, đồng hành cùng với nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, nên huyện Nghĩa Đàn đã tạo được niềm tin, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông - lâm sản mà huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Nếu trước đây người ta biết đến Nghĩa Đàn - trung tâm vùng Phủ Quỳ với những vườn cà phê trĩu quả, những lô cao su bạt ngàn tít tắp, hay vườn cam vàng rộm... thì nay, miền đất đó lại có thêm những cánh đồng cỏ, cánh đồng hoa hướng dương vàng rực, những trang trại bò sữa quy mô lớn hiện đại đã làm thay đổi diện mạo của vùng đất này. Sự phát triển mới của Nghĩa Đàn bắt đầu rõ lên từ khi Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH vào đầu tư.
Ở đây, Tập đoàn TH đã làm thay đổi vùng đất này không những trong tư duy mà từ chính thực tiễn, bởi mức độ, quy mô đầu tư và công nghệ, quy trình sản xuất. Với quy mô tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, đây không những là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất vào Nghệ An từ trước đến nay mà còn là dự án đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Để dự án thực hiện theo đúng lộ trình đầu tư, triển khai trên diện tích đất quy hoạch lên đến 37.000 ha, trong đó Nghĩa Đàn là vùng trung tâm, Huyện ủy, UBND huyện và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc quyết liệt. Vừa tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, đồng thời cùng với nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc, bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Tại thời điểm đó nếu không có quyết tâm chính trị cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh, huyện xuống tới cơ sở thì rất khó đảm bảo theo tiến độ yêu cầu mặt bằng để triển khai dự án.
Từ kết quả về kinh nghiệm của Dự án chăn nuôi bò sữa TH, huyện Nghĩa Đàn đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” kiếm tìm cơ hội của các nhà đầu tư. Tiếp nối dự án chăn nuôi bò sữa của Tập đoàn TH, Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm đầu tư dự án chế biến gỗ MDF tại KCN Nghĩa Đàn do Ngân hàng CP Bắc Á tư vấn đầu tư về tài chính cũng là một dự án trọng điểm không chỉ của huyện Nghĩa Đàn mà còn là của tỉnh Nghệ An.
Với tổng số vốn đầu tư 500 triệu USD, bao gồm 2 dây chuyền: dây chuyền chế biến gỗ thanh với tổng mức đầu tư 150 triệu USD, công suất 10.000 m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF có tổng mức đầu tư 350 triệu USD, công suất 400.000 m3/năm. Điểm nổi bật của nhà máy chế biến gỗ này là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ chế biến gỗ thanh và công nghệ chế biến gỗ ván sợi MDF chất lượng cao. Với việc sử dụng đồng thời 2 công nghệ này, cho phép nhà máy sử dụng gần như toàn bộ sản phẩm trên cây gỗ, góp phần nâng cao hiệu quả của nghề trồng rừng. Theo kế hoạch cuối năm 2014, dây chuyền chế biến gỗ thanh sẽ cho mẻ sản phẩm đầu tiên. Cũng tại dự án này, huyện Nghĩa Đàn đã nỗ lực GPMB bàn giao đúng tiến độ 40 ha cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Ông Nguyễn Công Vĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm sản Tháng Năm cho biết: “Sở dĩ chúng tôi đầu tư nhà máy ở vùng này bởi đây vừa là vị trí trung tâm của vùng nguyên liệu, vừa là giao điểm của hệ thống giao thông chính của đường Hồ Chí Minh, QL 48, dễ vận chuyển nguyên liệu xuống Cảng Đông Hồi, Cảng Nghi Sơn. Triển khai dự án, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của huyện Nghĩa Đàn, nhất là công tác GPMB”.
|
Đóng gói sản phẩm đá trắng xuất khẩu tại Công ty CP Toàn Cầu (KCN Nghĩa Long). |
Đó là 2 dự án lớn đầu tư trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn và đã có sản phẩm “made in Nghĩa Đàn”, song nhiều dự án, doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác cũng đã chọn Nghĩa Đàn là điểm dừng chân để đầu tư. Tại cụm công nghiệp Nghĩa Long, cụm công nghiệp duy nhất trên địa bàn Nghĩa Đàn được phê duyệt quy hoạch 25 ha, mặc dù đang trong quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng nền đường, hệ thống xử lý nước thải, thay thế hệ thống điện sản xuất... nhưng đã thu hút được một số nhà đầu tư khá mạnh như: Công ty CP Toàn Cầu, Công ty CP CMISTONE Việt Nam.
Đối với Công ty CP Toàn Cầu có mặt tại cụm công nghiệp từ năm 2010 đến nay, ổn định sản xuất trên dây chuyền chế biến bột đá siêu mịn công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm, cho doanh thu mỗi năm trên 130 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động với mức thu nhập từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, công ty đang tiếp tục đầu tư thêm một dây chuyền chế biến hạt nhựa công suất 12.700 tấn/năm, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào sản xuất và hoàn tất thủ tục xin cấp thêm đất mở rộng dây chuyền chế biến bột đá siêu mịn.
Ông Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty Toàn Cầu chia sẻ: “Trên địa bàn rất nhiều nơi có thể lựa chọn triển khai xây dựng được nhà máy, tuy nhiên, chúng tôi quyết định chọn KCN nhỏ Nghĩa Long - huyện Nghĩa Đàn. Bởi ở đây có lợi thế hơn, nhất là gần các trục đường giao thông quốc lộ và đặc biệt đón được nguyên liệu từ Quỳ Hợp về, hoặc Tân Kỳ xuống”.
Qua tiếp xúc với các nhà đầu tư, hầu hết các ý kiến đều đánh giá: Nghĩa Đàn là vùng đất đầy hứa hẹn, bởi lẽ, ngoài “địa lợi” thì các doanh nghiệp đầu tư vào đây còn nhận được yếu tố “nhân hòa” khi huyện Nghĩa Đàn sẵn sàng đón nhận, đồng hành cùng nhà đầu tư. Đó là tinh thần trách nhiệm, cộng sự và đồng hành vì sự phát triển chung của huyện.
“Miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư đã được chứng minh cụ thể bằng các dự án thành công. Từ năm 2010 đến nay, Nghĩa Đàn đã thu hút được 5 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn gần 1,4 tỷ USD. Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: Phương châm của Nghĩa Đàn là rộng mở đón các nhà đầu tư và luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Trên cơ sở đã được phê duyệt quy hoạch các KCN, cụm CN, huyện tập trung cao độ cho công tác quản lý quy hoạch, GPMB sạch, đặc biệt sẽ ưu tiên đối với những dự án đầu tư có tính chất xã hội sử dụng nhiều lao động để từ đó các nhà đầu tư cùng chia sẻ với huyện, quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo cơ sở để Nghĩa Đàn chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Hữu Nghĩa