Các tỉnh phát triển ngành sữa
Cơ nghiệp tỷ phú trên thảo nguyên Mộc Châu
Đã là quá quen thuộc đối với dân “phượt” khi họ chọn địa danh Mộc Châu làm điểm đến trong những dịp nghỉ lễ, tết: thảo nguyên hoang sơ, không khí trong lành, những bình nguyên rộng mênh mông xanh ngút mắt; sắc đào, mơ, mận tưng bừng khai nhụy... lúc chính vụ. Thế nhưng, một Mộc Châu khác không phải ai cũng biết, đó là quê hương của những triệu phú, tỷ phú thời hiện đại khi ngày càng xuất hiện nhiều đến độ, người ta đùa rằng cứ ra ngõ là gặp... tỷ phú.
Với lợi thế đặc biệt về đất đai, khí hậu, Mộc Châu thích hợp cho ngành chăn nuôi, nhất là bò sữa. Kể từ khi manh nha, đến nay trải qua nhiều thập kỷ, con bò sữa đã chính thức trở thành thương hiệu gắn với mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc, và là “cần câu cơm” làm giàu cho người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Quất chăm sóc đàn bò cho lượng sữa trị giá hàng trăm triệu mỗi tháng. |
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quất, sinh năm 1952 (tiểu khu nông trường thị trấn Mộc Châu) được biết đến bởi quy mô chăn nuôi hoành tráng nhất. Gia đình ông đã phát triển mô hình trang trại từ nhiều năm nay, không chỉ cung cấp sữa nguyên liệu mà còn cung cấp cả giống cho các hộ dân trong cùng địa bàn.
Quê gốc ở Thái Bình, theo ông bà lên Mộc Châu làm kinh tế mới từ những năm 1975, năm 1990, gia đình ông quyết định chuyển hướng chăn nuôi bò lấy sữa.Khởi điểm bằng bảy con bò được nông trường giao cho chăn nuôi, đến nay, đàn bò sữa của gia đình ông Quất đã lên tới 180 con, gồm các loại gối nhau: bò trưởng thành, bò sinh sản và bò giống. Mỗi một loại, ông xây dựng các khu chuồng riêng biệt để chăn thả, đầu tư hạ tầng với các máy móc hiện đại để đảm bảo môi trường tốt nhất cho sự sinh trưởng của đàn bò sữa.
Tỷ phú bò sữa Nguyễn Văn Quất. |
Bao xung quanh khu vực chuồng nuôi nhốt, gia đình ông Quất đã phát triển khu vực trồng cỏ để chăn nuôi bò bên cạnh thức ăn nhập khẩu từ Mỹ. Tất cả vợ chồng, con cái trong nhà đều trở thành lực lượng lao động chính cho trang trại gia đình.
Để chăm sóc cho đàn bò sữa số lượng lớn nhất ở Mộc Châu, ông Quất đã về quê Thái Bình nhờ họ hàng, bà con lên hỗ trợ. Sau một thời gian ngắn, những người bà con của ông Quất cũng dần tách ra thành các trang trại độc lập, làm giàu nhờ... con bò.
Một ngày, đàn bò của gia đình ông Quất cho sản lượng trên dưới 2 tấn/ngày; với giá thu mua của nhà máy 13.000 đồng/lít sữa nguyên liệu, mỗi ngày, gia đình ông Quất thu lợi gần chục triệu đồng. Tính trung bình mỗi tháng, ông Quất “bỏ túi” không dưới vài trăm triệu đồng.“Mỗi năm, đàn bò trưởng thành của tôi sinh trưởng thêm vài chục bò giống. Giá hiện tại của một bò sữa giống dao động từ 60-80 triệu đồng/con, đó cũng là một khoản thu không nhỏ” - ông Quất tự hào.
Chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đã làm đổi đời cuộc sống của người dân nơi đây. |
Trang trại của gia đình ông Quất là mô hình lớn nhất ở Mộc Châu. Sau vài chục năm lao động không mệt mỏi đã mang lại cho lão nông Nguyễn Văn Quất cơ ngơi hàng chục tỷ đồng.
Hiện tại, Mộc Châu đang có tổng số gần 500 hộ đầu tư chăn nuôi bò sữa. Tính theo số lượng, quy mô lớn như hộ gia đình ông Quất có ba trang trại (trên 100 con bò sữa/trang trại); hơn 100 hộ chăn nuôi số lượng trên 50 con/hộ, còn lại gần 400 hộ nông dân nuôi bò sữa ở quy mô nhỏ hơn, nhưng mỗi tháng cũng thu lợi hàng vài chục triệu đồng.
“Chúng tôi đã liên kết các hộ nuôi bò để xây dựng “Quỹ bảo hiểm bò sữa”. Hiện tại, quỹ bảo hiểm này đã lên tới con số hàng chục tỷ đồng, đề phòng những trường hợp rủi ro nếu như xảy đến, chúng tôi vẫn tự bảo vệ được mình. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, mỗi năm Mộc Châu sẽ xuất hiện thêm hàng chục “tỷ phú bò sữa” khác, còn các hộ “triệu phú” thì ở đây, gia đình nào cũng đã “vượt ngưỡng” từ lâu lắm” - tỷ phú bò sữa Nguyễn Văn Quất tự hào.Thái Bình