Các tỉnh phát triển ngành sữa
Bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp ở Ba Vì
Đây là niềm vui lớn, đánh dấu sự trưởng thành ngày càng vững chãi của vùng đất "địa linh, nhân kiệt", nhiều tiềm năng này.
Trong các thế mạnh mà Ba Vì có sẵn, không thể không kể đến một tiềm năng lớn, đó là những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp được tạo ra từ vùng đất này. Sữa tươi Ba Vì, chè sạch Ba Trại, khoai lang Đồng Thái... đã trở thành những nông sản chất lượng cao, có thương hiệu, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến. Đây cũng là nỗ lực rất đáng ghi nhận của huyện Ba Vì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều vùng sản xuất tập trung Đến xã Vân Hòa, "thủ phủ" chăn nuôi bò sữa của huyện Ba Vì, không khí sản xuất của người dân lúc nào cũng tất bật với những công việc như cắt cỏ, thái cỏ, rửa chuồng, vắt sữa bò... Anh Phí Đình Nghi, thôn Bơn, xã Vân Hòa hồ hởi cho biết: "Chăm bò sữa giống như nuôi con mọn, phải cho ăn đủ chất và vắt sữa đúng giờ nhưng thu nhập khá nên ham lắm". Gia đình anh Nghi nuôi 5 con bò sữa, trong đó có 2 con đang cho khai thác sữa, trung bình 30kg sữa/ngày. Với giá sữa hiện nay từ 12.150 - 12.350 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh Nghi cũng thu lãi 6 - 7 triệu đồng.
Chăn nuôi bò sữa tại huyện Ba Vì đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quang Thiện Theo lãnh đạo UBND xã Vân Hòa, mô hình chăn nuôi bò sữa đang phát triển mạnh trên địa bàn, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Toàn xã hiện có 1.500 con bò sữa, trong đó có khoảng 1.000 con đang cho sữa, bình quân 12 - 13kg sữa/con/ngày. Mỗi con bò cho vắt sữa 8 tháng/năm, sản lượng đạt khoảng trên 2 tấn sữa, cho thu nhập trên 20 triệu đồng/con/năm. Ngoài xã Vân Hòa, trên địa bàn huyện Ba Vì còn một số địa phương khác chuyên canh bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao như Yên Bài, Tản Lĩnh... Theo thống kê, toàn huyện Ba Vì hiện có hơn 34.500 con bò, trong đó đàn bò sữa hơn 6.000 con. Ngoài chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn và gia cầm cũng là thế mạnh của huyện với tổng đàn lợn đạt gần 200.000 con và đàn gia cầm 2,5 triệu con, tập trung tại các xã Sơn Đà, Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Thụy An, Vật Lại... Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện duy trì ổn định ở mức 1.900ha, sản lượng 3.600 tấn, tập trung tại các xã Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Cường, Phong Vân, Phú Đông và các xã ven sông Tích. Toàn huyện có 71 trang trại chăn nuôi, thủy sản, tổng hợp. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông nghiệp như: Lúa hàng hóa tại xã Cổ Đô, Đồng Thái, Phong Vân, Phú Phương; khoai lang ở Đồng Thái; ngô ở Thuần Mỹ, Sơn Đà, Cẩm Lĩnh; cây ăn quả tại các xã đồi gò, vùng bãi ven sông; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Chu Minh, Minh Châu, Tây Đằng; vùng chè diện tích gần 2.000ha tại các xã miền núi, năng suất búp tươi đạt 8,7 tấn/ha, sản lượng đạt 15.510 tấn. Ngoài ra, huyện cũng đang tiếp tục đầu tư một số loại cây chất lượng cao như hoa ly, thanh long ruột đỏ, dứa Suối Hai... cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện giá trị canh tác đạt bình quân gần 80 triệu đồng/ha/năm. Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn Hiện nay, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì giảm xuống còn 75%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn là 17 triệu đồng/người/năm. Để tạo sức bật mạnh mẽ cho sản xuất, từ năm 2009, huyện Ba Vì đã thực hiện quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với thủy lợi và bố trí dân cư. Trong đó, đã quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, theo hướng hiện đại, gắn với thị trường và khai thác tối đa hiệu quả nguồn nước tưới, tiêu. Hàng năm, UBND huyện còn phối hợp với các sở, ngành của TP tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao giống mới, tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho người nông dân như giống bò BBB, máy vắt sữa, máy vò chè... Theo ông Hà Xuân Hưng - Bí thư Huyện ủy Ba Vì, để phát triển sản xuất hàng hóa, huyện chủ trương đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt phương án dồn điền đổi thửa của 13 xã, diện tích giao ruộng ngoài thực địa cho các hộ dân đạt hơn 800ha. Trong đó, xã Cổ Đô dồn được 200ha, Tản Hồng 140ha, Châu Sơn 78ha, Tiên Phong 86ha... Trên cơ sở dồn điền đổi thửa, huyện tập trung phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa ổn định từ 12.800 - 13.000ha. Ông Hà Xuân Hưng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách theo hướng tăng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản hàng hóa. Đồng thời, thu hút trí thức trẻ về khu vực nông thôn, tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ ở nông thôn. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đầu tư vào nông nghiệp.
Thiện Quang