Các tiêu chuẩn đánh giá bê và bò sữa

Các tiêu chí đánh giá khả năng sinh sản ở bò cái

Sản lượng sữa của bò sữa và tốc độ tăng trọng của bò tơ có thể dễ dàng xác định bằng cân đo và tính toán. Để đánh giá sinh sản của một con bò hay cả một trại là công việc khó khăn. Tuy nhiên, một vài chỉ tiêu sau đây có thể đánh giá mức độ sinh sản của một đàn bò.

1. Tuổi đẻ lứa đầu của bò tơ

Khi bò tơ sinh sản muộn thì phải mất thêm chi phí cho thức ăn và chăm sóc. Số bê sinh ra trong một đời bò cũng ít hơn so với bò tơ sinh sản sớm. Chăm sóc nuôi dưỡng tốt để  bò tơ đẻ sớm là điều hết sức quan trọng. Tuổi đẻ lần đầu của bò tơ phụ thuộc vào tuổi thành thục về tính và tuổi phối giống lần đầu.

Tuổi đẻ lứa đầu của bò tơ ảnh hưởng bởi các yếu tố sau đây:

-  Chăm sóc nuôi dưỡng bê. Bê được nuôi dưỡng tốt trong suốt giai đọan từ sơ sinh đến bò tơ sẽ lớn nhanh, thành thục về sinh dục sớm, phối giống đậu thai sớm và như vậy tuổi đẻ lứa đầu cũng sớm. Đây là yếu tố cần được quan tâm nhiều nhất.
-  Kiểm soát kí sinh trùng. Bê con rất dễ nhiễm kí sinh trùng, đặc biệt là khi nuôi nhốt chung với bò lớn, nơi chăn thả, chuồng trại dơ bẩn lầy lội. Bê bị nhiễm kí sinh trùng sẽ còi cọc, chậm lớn vì vậy chậm thành thục sinh dục và chậm phối giống lần đầu

-  Giống bò (Zebu hay Bos taurus). Giống bò ôn đới, các giống được cải tiến có tuổi đẻ lứa đầu sớm hơn một số giống ôn đới. Bò HF có tuổi đẻ lứa đầu
24 tháng. Brahman là một trong những giống có tuổi đẻ lứa đầu muộn
(khoảng 30 tháng). Bò Vàng có tuổi đẻ lứa đầu sớm hơn (khoảng 27 tháng).
-  Các yếu tố quản lý khác. Có một số cá thể tuổi đẻ lứa đầu muộn ngay cả khi được chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Trong khi nhiều cá thể tuổi đẻ lứa đầu muộn là do quản lý như chủ động phối giống muộn, không phát hiện bò động dục, phối nhiều không đậu.

Tuổi phối giống lần đầu của bò tơ phụ thuộc trước hết vào khối lượng cơ thể. Thường phối giống lần đầu khi đạt được 65% khối lượng trưởng thành. Thí dụ bò lai Sind có khối lượng trưởng thành 300kg thì ta phối giống lần đầu cho bò tơ khi đạt trên 190kg. Phối giống lần đầu cho tơ lai HF khoảng 280kg, bò tơ thuần HF khoảng 320kg. Tuổi và thể trạng cũng quan trọng. Không nên phối giống cho bò tơ trước 15 tháng tuổi và thể trạng gầy ốn ngay cả khi chúng đạt đến khối lượng phối giống lần đầu.

Bò tơ lai HF được nuôi dưỡng và quản lý tốt có thể phối giống lúc 15-16 tháng tuổi. Kết quả bò sẽ đẻ lứa đầu sớm nhất lúc 24-25 tháng tuổi. Ở vùng nhiệt đới hoặc á nhiệt đới, với điều kiện môi trường không thích hợp, bò tơ phối giống lần đầu thường muộn hơn.

2. Khoảng cách lứa đẻ

Là khoảng thời gian giữa hai lần đẻ thành công.

Bò mang thai trung bình 280 ngày. Để đạt được một năm bò đẻ một bê thì bò phải phối giống thụ thai trong khoảng từ 60- 85 ngày sau khi đẻ.

Sơ đồ trên minh họa cho một bò cái HF bình thường.  Bò được phối lần đầu vào ngày 64 sau khi đẻ, không đậu thai. Phối lần 2 vào ngày 85 sau khi đẻ, đậu thai, khám thai sau khi phối lần 2 là 65 ngày (tương đương với 150 ngày sau khi đẻ). Thời gian mang thai 280 ngày. Khoảng cách lứa đẻ là 365 ngày (85 + 280=
365ngày). Với khoảng cách lứa đẻ lý tưởng như vậy ta có 305 ngày cho vắt sữa và 60 ngày cạn sữa chuẩn bị cho lứa sữa sau.

 

Khoảng cách lứa đẻ có thể chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn từ lúc sanh bê đến lúc đậu thai lại (giai đoạn không mang thai hay còn gọi giai đoạn “mở” hay giai đoạn chờ phối) và giai đoạn mang thai. Giai đoạn mang thai là khoảng thời gian cố định, dao động từ 280 đến 285 ngày hoặc hơn tùy thuộc vào giống. Vì vậy khoảng cách lứa đẻ phụ thuộc duy nhất vào giai đọan “mở”. Khi khoảng cách lứa đẻ kéo dài là do có vấn đề ở giai đọan thứ nhất. Những bò cái sau khi đẻ 60 ngày mà chưa lên giống lại được coi là bò chậm sinh, cần phát hiện sớm và có biện pháp xử lý phù hợp.

Khoảng cách lứa đẻ trung bình của đàn được tính toán dễ dàng từ khoảng cách lứa đẻ của mỗi cá thể và thông qua đó có thể đánh giá thành tích sinh sản của đàn.

3. Động dục lần đầu sau khi đẻ

Thời gian từ sau khi đẻ đến động dục lần đầu có ý nghĩa quan trọng đến khoảng cách từ khi đẻ đến đậu thai lại. Nhiều bò cái sinh sản có giai đọan “mở” kéo dài lý do chính là bò chậm động dục lại sau khi đẻ.

Thông thường bò khỏe mạnh sẽ động dục lại sau khi đẻ 40-45 ngày. Tuy nhiên, động dục lần đầu thường khó phát hiện vì dấu hiệu động dục yếu. Sau khi đẻ 40 ngày, thì chu kì động dục 21 ngày xuất hiện một cách rõ ràng.

Nếu sau khi đẻ 60 ngày mà không thấy bò động dục thì có thể do những nguyên nhân sau:
 

-  Bò đã động dục nhưng ta không biết (phát hiện động dục kém). Đây là nguyên nhân chính.

-  Bò bị viêm tử cung hoặc u nang buồng trứng, những trường hợp này phải mời nhân viên thú y đến kiểm tra.

-  Dinh dưỡng kém, đặc biệt là trong khẩu phần không đủ đạm và khoáng chất.

Trong thực tế, sau khi đẻ 60 ngày mà không thấy bò động dục, thì cần kiểm tra về khẩu phần ăn và mời nhân viên thú y đến kiểm tra về đường sinh dục.

4. Phối giống lần đầu sau khi đẻ

Để đạt được khoảng cách lứa đẻ 365 ngày thì bò phải được phối giống đậu thai lại sau khi đẻ trước 85 ngày. Vế lý thuyết ta phải phối giống cho bò càng sớm càng tốt vì có những con bò phải phối nhiều chu kì mới đậu thai. Thông thường, bò khỏe mạnh có thể phối giống thành công sau khi đẻ 40 ngày. Tuy nhiên, nếu phối giống sớm (khi tử cung chưa phục hồi đầy đủ chức năng) thì tỷ lệ thụ thai thấp.

Phối giống lại sau khi đẻ khoảng 50 ngày cho tỷ lệ thụ thai cao hơn mà vẫn
đảm bảo bò đẻ mỗi năm một lứa.

Theo kinh nghiệm thực tế, bò ở trạng thái bình thường có thể phối giống sau khi đẻ 50 ngày. Bò có năng suất sữa cao, bò gày ốm nên phối giống muộn hơn. Phối giống trực tiếp cũng nên áp dụng tương tự.

5. Khoảng cách giữa hai lần động dục

Khoảng cách giữa hai lần động dục là chu kì động dục. Chu kì động dục bình thường ở bò trung bình là 21 ngày (17- 24 ngày). Sau khi phối giống 21 ngày, nếu bò không thụ thai sẽ động dục lại. Chu kỳ động dục lần đầu sau khi đẻ thường ngắn hơn và không theo quy luật, tùy thuộc vào chức năng thể vàng.

Khi khoảng cách động dục là 6 hoặc 9 tuần (2 hoặc 3 × 21 ngày), có nghĩa là đã bỏ lỡ một hoặc hai chu kì động dục. Những trường hợp này thường được cho rằng, bò không động dục, nhưng thực tế không đúng như vậy. Ở hầu hết những lần động dục mà người quản lý bỏ lỡ là do dấu hiệu động dục ngắn và yếu. Khám qua trực tràng để kiểm tra tình trạng buồng trứng sẽ giúp ta có kết luận tốt hơn.

Khi khoảng cách động dục dài và không theo qui luật (30, 50, 90 ngày) thì có thể là do chết phôi.

6. Khoảng cách từ khi đẻ đến lúc thụ thai (giai đoạn “mở”)

Khoảng cách từ khi đẻ đến lúc thụ thai là chỉ tiêu quan trọng để xác định “tình trạng sinh sản”. Độ dài khoảng cách từ khi đẻ đến thụ thai phụ thuộc vào:

- Khoảng cách từ khi đẻ đến lần phối giống đầu tiên.

- Khoảng cách từ lần phối giống đầu tiên đến lần phối giống thụ thai

Thông thường, người ta phối giống cho bò sau khi đẻ 60 ngày. Bằng cách này, ngay cả khi phải phối giống thứ hai mới thành công thì vẫn đạt được khoảng cách lứa đẻ là 365 ngày. Vì trung bình mỗi bò cần hơn một lần phối giống cho một lần thụ thai.

7. Tỷ lệ thụ thai

Tỷ lệ thụ thai là thước đo thành tích sinh sản của đàn cái. Là kết quả tổng hợp trình độ quản lý của chủ trại và  tay nghề của dẫn tinh viên. Có một vài phương pháp xác định tỷ lệ thụ thai. Tuy nhiên ở bò chỉ tiêu tỷ lệ thụ thai ở lần phối giống đầu tiên sau khi đẻ là có ý nghĩa và thường được sử dụng. Nó còn được gọi là tỷ lệ thụ thai sau lần phối giống đầu tiên.

Đối với bò ở vùng nhiệt đới khó đạt được tỷ lệ thụ thai ở lần phối giống đầu tiên cao hơn 50%. Ở Hà Lan bò HF có thể đạt được tỷ lệ 60-70%.

Khi tỷ lệ thụ thai ở lần phối giống đầu tiên thấp hơn 50% (ở vùng nhiệt đới),
điều này có nghĩa là tình trạng sinh sản không bình thường.

Trong sản xuất, khi xác định tỷ lệ thụ thai cho một đàn lớn, một khu vực người ta có thể dùng công thức tính tỷ lệ thụ thai chung như sau:

Tỷ lệ phối giống đậu thai (%) = 100 x số bò có chửa/ tổng số lần phối giống

Thí dụ năm 2005 đàn bò được phối giống 300 lần (không tính lần phối kép trong một chu kì động dục), đậu thai 150 con, vậy tỷ lệ đậu thai = 100 x 150/300=
50%.

(chú ý: những bò chưa đến ngày khám thai, những bò khám thai không chửa hoặc nghi ngờ sau 80-90 ngày phối lần cuối đều thuộc nhóm bò chưa chửa).

Tỷ lệ đậu thai thấp thì số lần phối giống cho thụ thai sẽ tăng. Hai chỉ tiêu này là phép tính ngược của nhau.

8. Số lần phối giống thụ thai

Thí dụ sau đây trình bày cách tính toán số lần phối giống thụ thai (hệ số phối đậu) và tỷ lệ thụ thai của đàn cái. Bò có thai là những bò dương tính sau khi khám qua trực tràng lúc thai 80-90 ngày tuổi (vì có nhiều bò mất phôi hoặc xảy thai trước và sau thời điểm này). Do không phải tất cả số bò được phối giống đều có thai sau lần phối giống đầu tiên nên số lần phối tinh cần phải cao hơn số bò cái trong đàn.

Thí dụ: Một đàn có 100 bò cái sinh sản, số liệu phối giống được ghi nhận như sau:
 

Sau 100 lần phối giống thứ nhất có 50 con thụ thai (còn 50 con chưa thụ thai)

Sau 50 lần phối giống thứ hai có 20 con thụ thai (còn 30 con chưa thụ thai) Sau 30 lần phối giống thứ ba có 10 con thụ thai (còn 20 con chưa thụ thai) Sau 20 lần phối giống thứ tư có 6 con đậu thai (còn 14 con chưa thụ thai)
Sau 14 lần phối giống thứ năm có 4 con thụ  thai (còn lại 10 con vẫn không thụ thai sau năm lần phối giống).

Tính toán hệ số phối đậu:

- Tỷ lệ thụ thai sau lần phối giống thứ nhất là: 50/100 × 100% = 50%

- Tỷ lệ thụ thai sau lần phối giống thứ hai là: 20/50 × 100% = 40%

- Tỷ lệ thụ  thai sau lần phối giống thứ ba là: 10/30 × 100% = 33%

- Tỷ lệ thụ thai sau lần phối giống thứ tư là: 6/20 × 100% = 30%

- Tỷ lệ thụ  thai sau lần phối giống thứ năm là: 4/14 × 100% = 29%

Tổng cộng có 90 bò thụ thai; vậy tỷ lệ thụ thai cuối cùng là 90 trên 100 con là
90%.

Tổng cộng số lần phối giống = 100 + 50 + 30 + 20 + 14 = 214 lần

Trung bình số lần phối giống để thụ thai = 214/90 = 2,38 lần Suy ra tỷ lệ đậu thai trung bình là: (90/214) x 100= 42,05% Mặt khác, 10 bò không thụ thai có  10 × 5 = 50 lần phối
90 bò thụ thai có 214 – 50 = 164 lần phối

Trung bình số lần phối cho những bò đã đậu thai =164/90 = 1,82 lần Suy ra tỷ lệ đậu thai tính trên bò đã thụ thai là: (90/164) x 100= 54,88% Từ ví dụ này chúng ta có hai cách tính số lần phối giống thụ thai:
1. Tổng số lần phối giống chia cho số bò thụ thai (2,38)

2. Tổng số lần phối giống cho những bò thụ thai chia cho số bò thụ thai (1,82) Thông thường cách tính thứ nhất được áp dụng nhiều hơn.
Trong thực tế cần trung bình từ 1,5 đến 2,0 lần phối giống cho một bò thụ thai. Khi số này cao hơn, tình trạng sinh sản không bình thường. Nguyên nhân số lần phối giống trung bình quá cao, cũng tương tự như nguyên nhân tỷ lệ thụ thai thấp đã nói ở trên.

Số lần phối giống trung bình cho một bò trong một trại cao hơn 2,0 là do quản lý kém nên bò chỉ thụ thai sau nhiều lần phối giống.

9. Tỷ lệ đẻ

Một cách đơn giản, tỷ lệ đẻ của một đàn được tính bởi số bê sinh ra trong
đàn so với bò cái có khả năng sinh sản.

Thí dụ trong đàn 100 bò cái sinh sản có 80 bê sinh ra trong một năm, có nghĩa là có khoảng 80% bò đẻ trong năm đó, hay tỷ lệ đẻ trong năm là 80%.

Trong thực tế số gia súc non sinh ra của một đàn cái trong một khoảng thời gian nhất định (một năm hay nhiều năm) dễ dàng xác định được một cách chính xác. Tuy nhiên số gia súc cái có khả năng sinh sản luôn biến động (chuyển đến, chuyển đi) vì vậy việc xác định số lượng gia súc cái có khả năng sinh sản trong một giai đọan nào đó (một năm hay nhiều năm liền) là khó khăn và không chính xác. Tỷ lệ đẻ tính theo công thức này cũng không chính xác, vì vậy chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Một cách khoa học hơn, tỷ lệ đẻ của đàn có thể tính thông qua khoảng cách lứa đẻ. Thí dụ khoảng cách lứa đẻ trung bình của đàn bò là 14 tháng (hay 427 ngày), suy ra tỷ lệ đẻ của đàn sẽ là:

Tỷ lệ đẻ = 100 x 12 tháng/14 tháng = 85,7%

= 100 x (365 ngày/427ngày)= 85,5%

Ghi chú:

A: Ngày đẻ dự kiến lứa sau

B: khoảng cách từ ngày đẻ đến lần phối giống đầu tiên C: khoảng cách từ lần phối giống đầu tiên đến đậu thai D: khoảng cách từ khi đẻ đến đậu thai
E: khoảng cách lứa đẻ dự kiến

F: số lần phối giống

Tính toán số liệu từ bảng

Trong quản lý, ta có số liệu của các cột số hiệu bò (STT), ngày động dục và ngày phối. Nhập số liệu này vào cột của bảng Excel. Số liệu của cột A, B, C, D, E và F có thể dễ dàng xác định trên bảng tính Excel.

Số liệu cột A bằng  ngày phối cuối cùng cộng thêm 9 tháng (nếu tính nhẩm)
hay 280ngày (tính trên Excel).

Cột B bằng cột phối lần 1 trừ đi cột ngày đẻ lứa trước.
Cột C bằng cột có lần phối cuối cùng đậu thai trừ cho cột phối lần 1. Con bò nào chưa đậu thai thì không có số liệu. Bò nào phối 1 lần đậu thai thì số liệu bằng 0.

Cột D bằng cộng 2 cột B và C.

Cột E bằng hiệu của cột A và cột  ngày đẻ lứa trước.

Cột F là số đếm các lần phối giống, bao gồm cả những con chưa đậu thai hoặc chưa đến ngày khám thai.

Kết quả tính toán từ bảng số liệu cho thấy:
- Có tổng cộng 25 bò cái trong đó có 23 con mang thai lại (số đếm ở cột A).
- Khoảng cách lứa đẻ là 9.044/23 = 393 ngày (tổng cột E chia cho số đếm cột
A).
- Phối giống lần đầu tiên lúc 2.331/25 = 93 ngày sau khi đẻ (trung bình cột B).

- Tỷ lệ đậu thai sau lần phối giống đầu tiên là 11/25 × 100% = 44%. (có 11 con phối giống chỉ 1 lần- đếm số 1 ở cột F, so với 25 con được phối giống)
- Số lần phối giống/số bò mang thai là 55/23 = 2,4. (cách tính 1)
- Số lần phối giống trung bình ở bò mang thai là (55-4-5)/23 = 2,0. (cách tính
2, đã trừ số lần phối cho 2 con không đậu thai là bò số 2 và số 19)

- Khoảng cách từ ngày đẻ đến đậu thai lại  = 2.735/23 = 119 ngày (trung bình cột D).

PGS.TS. Đinh Văn Ci, ThS. Nguyễn NgọcTn

 

Nguồn: Dairyvietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác