Bò thịt
Nuôi bò siêu lãi
Xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi) trước đây chuyên canh mía, sắn đã chuyển đổi sang trồng cỏ chăn nuôi bò thịt, bò vỗ béo, sinh sản. Mỗi con bò thịt có lãi 15 - 20 triệu đ/năm; nuôi bò vỗ béo 3 - 5 triệu đ/con/4 tháng và bò sinh sản 1 con bê chăm sóc 6 tháng bán được 15 triệu...
Những cánh đồng mía, sắn bạt ngàn trước đây đã phủ xanh cỏ voi, cỏ VA06 để nuôi bò, đâu đâu cũng thấy cỏ mọc um tùm. Ông Trịnh Phú Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: Cách đây 10 năm, xã được huyện thử nghiệm dự án nuôi bò lai.
Bởi xã có diện tích lớn trồng mía, sắn. Đưa bò lai vào nuôi để tận dụng nguồn thức ăn lá, đọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhưng triển khai được một thời gian thì năng suất không cao. Bà con quay lại phương pháp nuôi truyền thống thả rông, chứ không chú trọng đầu tư.
Nắm bắt được thị trường, 3 năm trở lại đây nông dân đi mua bò gầy ốm ở các nơi khác về vỗ béo. Nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía, sắn sang trồng cỏ, ngô… để cung cấp thức ăn cho bò.
“Toàn xã có gần 250 ha trồng mía, sắn thì nay nhường hơn 100 ha trồng cỏ. Hơn 2.100 hộ dân thì có gần 1.200 hộ nuôi bò. Tổng đàn bò 3.500 con, trong đó 2.800 bò lai. Nhà nhiều nuôi 5 - 7 con, nhà ít 2 con. Bò được nuôi nhốt không thả rông nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”, ông Tuấn cho hay.
Điển hình nuôi bò là ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã. Gia đình ông Thắng có 15 sào đất, trong đó, 1,5 sào trồng lúa, còn lại trồng mía. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây mía rớt giá liên tục khiến nhiều vụ trắng tay và năm 2010, ông Thắng bắt đầu chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò.
Hiện ông Thắng nuôi 2 con bò sinh sản, 3 con vỗ béo. Cứ mỗi năm, 2 con sinh sản lại cho hai con bê, còn 3 con bò vỗ béo cứ nuôi xoay vòng để xuất chuồng. Ông Thắng hạch toán: “Trước đây 13,5 sào đất trồng mía mỗi năm trừ chi phí phân bón, giống, công chăm sóc, nhân công… thì tôi chỉ đút túi được 15 triệu đồng. Nhưng từ khi đầu tư vào nuôi bò thì 2 con bò sinh sản mỗi năm cho 2 con bê, nuôi 6 tháng thu mỗi con 15 triệu.
Còn 3 con vỗ béo, cứ nuôi xoay vòng 3 lứa/năm, trừ hết chi phí cũng kiếm được 40 triệu đồng. 5 con bò trồng 3 sào cỏ thì đủ. Tính ra, trên một diện tích là 3 sào trồng cỏ nuôi bò, 3 sào trồng mía thì hiệu quả trồng cỏ nuôi bò gấp 15 lần trồng mía”.
Chưa dừng lại đó, nuôi 5 con bò chỉ 1 người chăm sóc là đủ. Hàng ngày chỉ dọn vệ sinh, và ra ruộng cắt cỏ về cho bò ăn. “Có thể nói rằng, nuôi bò trở thành cứu cánh thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân Bình Trung. Và chắn chắn không có con vật nuôi nào đem lại hiệu quả cao đến vậy”, ông Thắng nói.
Còn ông Trần Hành ở thôn Tây Thuận, xã Bình Trung đang nuôi 2 con bò vỗ béo. Hai vợ chồng có 5 sào ruộng, tuy nhiên 4 sào thường bị ngập nước nên không thể trồng cỏ, còn lại 1 sào.
Ông Hành cho hay: 2 con bò trồng 1 sào cỏ, mình cắt xoay vòng là đủ ăn. Khi bò mới mua về cho ăn cỏ, rau nhưng đến giai đoạn xuất chuồng cho ăn thêm thức ăn tinh nên bò nhanh mập. 1 năm sẽ xuất bán bốn 4 lứa, trừ chi phí mỗi lứa thu 8 triệu đồng.
“Trồng 4 sào lúa mỗi năm được 1,6 tấn, bán với giá 1 kg 6.000 đồng. Tính ra thu gần 10 triệu đồng nhưng trừ tiền công cày, gặt, phân bón, thuốc sâu, tiền thuế… cuối cùng không có lãi. Còn nuôi 2 con bò, trồng 1 sào cỏ thì lấy phân của nó bón cỏ, thỉnh thoảng mới bón ít phân hóa học nhưng bò đủ cỏ ăn và chỉ 1 người chăm sóc. Nếu như 4 sào đất mà không bị ngập nước, tui sẽ trồng cỏ, xây thêm chuồng nuôi thêm bò nữa”, ông Hành nói.
Ở xã Bình Trung, vợ chồng anh Huỳnh Duy Sơn chuyển từ nuôi lợn sang nuôi bò sinh sản và vỗ béo. Anh đầu tư 20 triệu đồng xây 4 ô chuồng, nuôi 4 con bò. Anh Sơn cho biết: Bỏ 80 triệu đồng mua 4 con, trong đó 1 con sinh sản, 3 con vỗ béo nhưng sau 4 tháng nếu bán có lãi 15 triệu đồng. Mặc dù mới nuôi nhưng nuôi bò ít bị dịch bệnh, công chăm sóc nhẹ nhàng hơn lợn. Bò ăn cỏ là chính, lâu lâu mới cho thức ăn tinh nên ít tồn tiền mua thức ăn.