Thị trường trong nước

Bà Phạm Chi Lan: Không bán ''bò sữa tỷ'' đô lấy tiền đầu tư vô bổ
(Dairy Việt Nam) Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, số tiền thu được từ việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp dứt khoát phải được đầu tư trở lại chứ không phải dùng vào mục đích chi thường xuyên hay đầu tư một cách vô bổ.

Chính phủ vừa có quyết định thoái vốn tại 10 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có những doanh nghiệp (DN) lớn như Vinamilk, FPT Telecom, Tổng công ty Bảo Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…

Dự kiến việc thoái toàn bộ vốn tại các DN trên có thể giúp Nhà nước thu về khoảng 3 tỷ USD. Riêng Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) có giá trị khoảng 2,5 tỷ USD, các DN còn lại có giá trị khoảng 500 triệu USD.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan

Nhìn nhận việc thoái vốn tại 10 DN, đặc biệt trong đó Vinamilk được ví như “bò sữa tỷ đô”, “gà đẻ trứng vàng”, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho biết, bà rất hoan nghênh chính sách này, đây là một quyết định đúng đắn của chính phủ, Nhà nước, có lợi cho nhiều mặt.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính- ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc Chính phủ yêu cầu SCIC cổ phần hóa 10 DN này là hợp lý, thúc đẩy cổ phần hóa ở những DN có vốn Nhà nước. Tiến trình thoái vốn được đưa ra trong 5 năm nay nhưng việc thực hiện vẫn còn chậm.

Theo bà Phạm Chi Lan, đối với lĩnh vực như của Vinamilk, FPT và một số doanh nghiệp khác mang tính chất thương mại cao, không nằm trong những dịch vụ thiết yếu kiểu như điện, xăng dầu, hạ tầng… Chính vì thế không có lý do để Nhà nước phải giữ lĩnh vực này.

Thứ hai, việc thoái vốn ở các DN Nhà nước sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

“Các DN vẫn có mặc cảm là họ thường bị thua thiệt so với DN Nhà nước. DN nhà nước có quan hệ với Nhà nước dễ tác động bởi chính sách hơn, dễ nhận hỗ trợ này khác của nhà nước. Cho nên với lĩnh vực mang tính chất thương mại thì phải đặt các doanh nghiệp trong cùng một mặt bằng thương mại như nhau”, bà Lan cho hay.

Thứ ba, nếu vẫn duy trì phần vốn ở đấy chỉ tạo thêm gánh nặng cho SCIC và các cơ quan Nhà nước vì phải có trách nhiệm vận hành doanh nghiệp. Nhưng đôi khi trách nhiệm đó lại có thể có mâu thuẫn với một đằng là quản lý DN Nhà nước, một đằng là chính sách.

Thứ 4, Nhà nước nên thu từ thuế hơn là thu với tư cách là từ chủ sở hữu. Với cả 10 DN có sức cạnh tranh rất tốt trên thương trường, đặc biệt là Vinamilk, FPT thì họ sẽ nộp thêm cho Nhà nước chứ họ không làm giảm đồng thu ngân sách nào từ nguồn đóng góp vào.

Doanh nghiệp có thể “đàng hoàng” hơn

Theo bà Phạm Chi Lan, việc Nhà nước thoái vốn là cơ hội lớn cho DN. Trước hết DN được hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp khác, có những quyết định nhanh chóng hơn và phù hợp hơn với chiến lược phát triển của họ.

“Thật tình mà nói tôi cũng có biết một số DN, dù Nhà nước còn chỉ giữ mười mấy % vốn thôi nhưng họ vẫn thường xuyên kêu những quyết định của đa số cổ đông khác vốn tập trung đổi mới công nghệ, phát triển thị trường thì nhân vật đại diện cho Nhà nước ở đó là SCIC lại không đồng tình vì ngần ngại đầu tư mới mất thêm vốn đầu tư. Cho nên đó thường là nhân tố cản trở hơn là thúc đẩy sự phát triển của DN”, bà Lan chia sẻ.

Nhà nước đang sở hữu 45,1% cổ phần của Vinamilk, trị giá khoảng 2,4 tỷ USD.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sau khi thoái vốn, họ sẽ trở thành những DN tư nhân đi sát thị trường, đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu nên cách vận hành của họ sẽ hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, DN sẽ có vị thế khác mà theo bà Lan là đàng hoàng hơn trên tài năng, năng lực của mình.

“Trước đây họ có thắng cái gì thì lại bảo ờ đấy là còn có Nhà nước hỗ trợ nhưng có biết đâu vai trò của Nhà nước có khi là hỗ trợ nhưng có khi là cản trở. Giờ thì họ có thể đàng hoàng hơn trên tài năng, năng lực của mình, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khác không còn kêu được nữa.”, bà Lan nói.

Ngoài ra, khi Nhà nước rút ra, các nhà đầu tư khác sẽ yên tâm làm việc với các doanh nghiệp này cũng như đầu tư vào lĩnh vực này, tạo ra một hiệu ứng niềm tin.

Với 10 trường hợp cụ thể này, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư chờ đợi để có cơ hội mua thêm, làm tăng giá trị của họ trên thị trường chứng khoán và thu hút thêm nguồn đầu tư.

Minh bạch thị trường

Quyết định thoái vốn là đúng đắn nhưng điều bà Lan lo ngại là lộ trình thoái vốn như thế nào? Tiền thoái vốn dùng vào việc gì?

Theo bà Lan để việc thoái vốn đảm bảo hiệu quả quan trọng nhất là phải hết sức minh bạch để việc ai quyết định mua vốn là theo cạnh tranh thị trường, Nhà nước không nên can thiệp nhiều và cũng đừng chỉ sẵn ra một số địa chỉ. Vì cổ phần hóa vừa qua có một số chuyện không hay là hầu hết các trường hợp đều bán loanh quanh. Nghĩa là DN nhà nước này mua lại của DN nhà nước khác hoặc quá trình không minh bạch nên không lôi cuốn được những nhà đầu tư chiến lược mà có thể đầu tư mang lại giá trị thật tốt cho các DN sau cổ phần hóa.

Minh bạch tối đa cũng giúp Nhà nước đỡ bị thua thiệt, tránh trường hợp vốn của Nhà nước sẽ chui vào túi của một số cá nhân có quyền nhất định để tham gia vào chứ không phải những nhà đầu tư giỏi có năng lực thật sự

Tương tự đối với DN, trên thương trường họ sẽ biết đâu là những đối tác chiến lược, có khả năng để nhằm vào đó. Như vậy sẽ mang lại lợi ích rất lớn so với việc bán cho một số nhân vật nào đó có thể có quyền, có tiền chỗ này, chỗ khác nhưng không mang lại giá trị dài hạn cho DN.

Tiền thoái vốn dùng vào việc gì?

Nói về vấn đề này, bà Lan nhấn mạnh: “Dứt khoát số tiền này phải được sử dụng đầu tư trở lại cho phát triển kinh tế. Đừng để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt ngân sách hiện nay nhất là thiếu chi thường xuyên hoặc những dự án đầu tư không hợp lý. Tôi nghĩ là Nhà nước phải kiên quyết trong việc sử dụng và công khai hóa, minh bạch hóa việc sử dụng vốn quốc gia chi vào đâu, tiêu vào đâu”.

“Tôi nói thật, nếu đem đầu tư 1.400 tỷ làm tượng đài thì điều này sẽ làm cho người dân vô cùng bức xúc, doanh nghiệp không thể chấp nhận được. Vì dù sao Nhà nước phải nhớ, tiền này bản chất vẫn là tiền của dân, tài sản thuộc về nhân dân. Nhà nước chỉ là người thay mặt nhân dân để quản lý. Năm nay nhu cầu ngân sách Nhà nước rất bức bách, ai cũng biết như vậy nhưng mà đừng để cho người ta hiểu, do ngân sách thiếu nên tìm cách đi huy động ngân sách bằng nguồn này để bù đắp, rồi lại xin, cho một số dự án không mang lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế, xã hội”, bà Lan nói thêm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, đến giờ này việc thoái vốn vẫn là chủ trương, SCIC phải đưa ra lộ trình, kế hoạch cụ thể. Tiền thoái vốn nên đầu tư vào những ngành khác hơn là trám những lỗ hổng về thâm hụt ngân sách.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nền kinh tế rất cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư vào những điều then chốt như phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động để cạnh tranh.

“Những dự án có thể xúc cảm về tâm lý, văn hóa tôi nghĩ nên lui lại sau này khi VN khá giả. Đừng nhân danh hình ảnh nọ, hình ảnh kia rồi đem tiêu tiền của dân theo kiểu vô bổ. Quốc hội phải tham gia giám sát việc đó, phải có ý kiến, chấp nhận ý kiến phản biện của xã hội đối với những dự án Nhà nước đầu tư bằng số tiền khoảng 3 tỷ USD rút được từ 10 doanh nghiệp này”, bà Lan nêu ý kiến.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác