Sữa Việt Nam

Phát triển mô hình chăn nuôi công nghệ cao ở Tây Ninh

10 năm gần đây, Tây Ninh nổi lên như một điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp hàng đầu về nông nghiệp, trong đó có Tập đoàn Vinamilk. Sự ra đời của các trang trại chăn nuôi hiện đại khép kín đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, chứng minh cho chủ trương của tỉnh trong việc chọn nông nghiệp công nghệ cao là một trong các lĩnh vực đột phá trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

 Từ “resort” bò sữa đến nhà máy chế biến

 

Trang trại bò sữa Vinamilk của Công ty CP Sữa Việt Nam (Công ty Vinamilk) được tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013 trên diện tích 685ha tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu. Trang trại được xây dựng từ năm 2014 với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 - trở thành trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống trang trại đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á. Trang trại tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 một cách toàn diện trong quản lý và chăn nuôi, được ví von là “resort” bò sữa Vinamilk Tây Ninh. Hiện tổng đàn bò sữa của trang trại là 8.000 con, trong đó có 3.600 con bò lấy sữa, 700 con cạn sữa, 1.200 con bò hậu bị, 800 bò tơ và 1.700 con bê (chiếm 62,2% tổng đàn bò của tỉnh Tây Ninh), đạt quy mô của dự án đã được phê duyệt là 35 triệu lít sữa/năm. Công ty Vinamilk đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm nông nghiệp định kỳ từ hơn 1.000 hộ dân trong tỉnh với khoảng 50.000 tấn bắp sinh khối, 4.000 tấn rơm để chế biến thức ăn cho bò, tạo thêm thu nhập cho nhiều nông hộ.

 

Theo ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu Công ty Vinamilk, dự kiến trong giai đoạn tới, Vinamilk sẽ triển khai dự án xây dựng tổ hợp nhà máy sữa và trang trại bò sữa số 2 tại tỉnh Tây Ninh để mở rộng nguồn cung sữa tươi nguyên liệu. Quy mô nhà máy chế biến sữa mới đạt 100 tấn/ngày (khoảng 3,6 triệu lít/năm) với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Nhà máy sẽ được trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại và công nghệ sản xuất tiên tiến, hoạt động trên dây chuyền tự động, khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Và để đảm bảo nguồn cung sữa cho nhà máy hoạt động, Công ty Vinamilk sẽ đầu tư thêm trang trại bò tại Tây Ninh với 2 giai đoạn: năm 2023-2025, đầu tư một cụm trang trại quy mô 4.000 con và sau năm 2025 đầu tư thêm cụm trang trại quy mô 4.000 con.

 

Phát triển theo hướng công nghệ cao

 

Việc tiếp tục đầu tư mở rộng trên lĩnh vực chăn nuôi chính là cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững do Công ty Vinamilk đề ra, đó là ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp và sản xuất theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, củng cố vị trí của thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới cũng như đưa ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển đúng hướng. Việc triển khai các ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt trong chăn nuôi, đã góp phần biến nhiều vùng đất cằn cỗi vùng biên giới của tỉnh Tây Ninh thành những cánh đồng lúa, bắp xanh rì. Trước đây, giống lúa ST25 đạt chuẩn hữu cơ chỉ trồng chủ yếu ở các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ như Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, thì nay đã trồng thêm ở Tây Ninh với hàng trăm ha lúa ở trang trại của Vinamilk Grenn Farm tại huyện Bến Cầu. Các kỹ sư của Công ty Vinamilk đã phải mất 3 năm xử lý cải tạo đất để giống lúa ST25 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh và được các chuyên gia Nhật Bản công nhận đạt chuẩn organic. Đây cũng là cơ sở quan trọng để triển khai các công đoạn giống, trồng trọt, thu hoạch, xay xát, đóng gói hữu cơ đạt chuẩn châu Âu.

 

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho rằng, tỉnh Tây Ninh rất tự hào là nơi có một trong những trang trại bò sữa lớn nhất nước và hàng ngày đang cung cấp một lượng sữa lớn mang thương hiệu Vinamilk, góp phần làm nên những sản phẩm sữa có chất lượng cho đất nước và đây cũng là trang trại đầu tiên áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi hiện đại trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những đóng góp của trang trại với địa phương và người dân nơi đây vẫn còn khiêm tốn, nhất là trong việc thu mua nguyên liệu từ nông dân và tạo sự lan tỏa nên cần tổ chức xuống giống bắp, thu mua hợp lý hơn.

 

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác