Sữa Việt Nam

Bấp bênh nghề nuôi bò sữa ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Người chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá sữa bấp bênh, đầu ra không ổn định.

 Những năm gần đây người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (địa phương có đàn bò sữa nhiều nhất của tỉnh) đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá sữa bấp bênh, đầu ra không ổn định. Thêm vào đó, việc phối giống bò không đạt khiến người nuôi bò sữa gặp nhiều khó khăn hơn.

 

Nghề nuôi bò sữa ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành đã gắn bó với người dân ở đây hơn 10 năm. Từ nuôi bò sữa, nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian đầu, nuôi bò sữa mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân nơi đây với đầu ra ổn định, nên các hộ dần mở rộng quy mô đàn bò sữa, do đó, số lượng sữa liên tục tăng cao.

 

Cao điểm nhất năm 2013, xã Châu Pha có 16 hộ nuôi bò sữa, với tổng đàn gần 300 con. Toàn bộ sữa bò tươi được Công ty Vinamilk Bà Rịa - Vũng Tàu, có trụ sở tại xã Châu Pha, thu mua với giá ổn định. Tuy nhiên, hoạt động được hơn một năm thì Công ty Vinamilk chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Hiện Vinamilk vẫn mua sữa bò nhưng số lượng hạn chế. Chính vì vậy, để duy trì đàn bò sữa, các hộ chăn nuôi phải tự tìm thị trường. Đến nay, bà con đã hợp đồng bán sữa với một công ty số lượng mua không hạn chế nhưng giá sữa khá thấp. Người nuôi sữa bị ép giá liên tục, giá sữa chỉ dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/lít sữa. Với giá này hầu hết người nuôi bò sữa đều không có lãi.

 

Gia đình ông Đinh Nam Định, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha có 35 con bò; trong đó, 20 con cho sữa. Trung bình mỗi ngày đàn bò cho 150 lít sữa. Khi mang sữa đến điểm thu mua, sản phẩm sữa tươi của gia đình ông chỉ có một ít được tính loại 1, mức giá 12.000 đồng/lít, còn lại là loại 2, loại 3 giá từ 8.000 - 10.000 đồng/lít.

 

Ông Định cho hay: “Giá sữa phải lệ thuộc rất nhiều vào đầu mối thu mua. Họ tự phân loại, tự định giá. Sữa đạt loại 1 rất ít chủ yếu là loại 2, loại 3. Nếu bán 8.000 - 12.000 đồng/lít thì chỉ đủ chi phí. Việc phối giống bò cũng khó khăn, tỷ lệ đậu rất thấp và cả năm 2016 chỉ có 4 con bò mang thai. Việc này ảnh hưởng lớn đến nguồn sữa nên gia đình phải thải loại những con bò yếu để bán thịt, nếu tiếp tục duy trì thì rủi ro rất cao”.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhiệm, thôn Tân Lễ A, xã Châu Pha cũng là hộ có đến đàn bò 46 con; trong đó, có 24 con cho sữa. Trung bình mỗi ngày đàn bò của ông cho hơn 200 lít sữa/ngày. Với giá thu mua sữa dưới 12.000 đồng/lít như hiện nay hầu như người nuôi bò sữa không có lãi. Hiện gia đình ông Nhiệm phải tận dụng nguồn thức ăn có sẵn nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho đàn bò cho sữa; hạn chế thấp nhất chi phí cho đàn bò khi giá sữa chưa tăng.

 

Theo các hộ chăn nuôi, nguồn cỏ của địa phương rất ổn định, đảm bảo cung cấp đủ khi tăng đàn với số lượng lớn. Tuy nhiên, do giá sữa không ổn định, cùng với việc phối giống không đạt, nên người dân không đầu tư, bởi chi phí nuôi bò sữa rất tốn kém.

 

Xã Châu Pha hiện còn 14 hộ nuôi bò sữa với tổng đàn 265 con. Người chăn nuôi hiện hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thu mua, từ việc định lượng, phân loại sản phẩm đến mức giá thu mua. Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi lại không ngừng tăng. Việc lệ thuộc khiến người chăn nuôi không dám phát triển đàn, gặp nhiều khó khăn.

 

Thời gian qua, để giúp bà con nuôi bò sữa giảm bớt khó khăn và tiếp tục duy trì phát triển, Hội Nông dân xã Châu Pha phối hợp với cơ quan chức năng vận động nông dân chăn nuôi bò sữa thành lập tổ hợp tác và đang xúc tiến vận động thành lập hợp tác xã nhằm tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, UBND huyện Tân Thành cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các hộ dân chăn nuôi bài bản để bà con dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước.

 

Tuy nhiên, theo ý kiến chung của các hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Châu Pha, nguyên nhân dẫn đến việc không phát triển mạnh trang trại chăn nuôi bò sữa là do khâu tiêu thụ sữa còn khó khăn; người dân còn e dè không dám phát triển. Ngoài ra, việc được hướng dẫn kỹ thuật trong phối giống đạt tỷ lệ cao cũng là một trong những hướng giúp người chăn nuôi bò sữa vượt qua khó khăn./.

 

Hoàng Nhị

Nguồn: baomoi.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác