Phối giống nhân tạo - Phát hiện động dục

Cấy chuyển phôi bò sữa cao sản Tây Nguyên - Một hướng đi đầy triển vọng

Lâm Đồng là địa phương ở Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa. Phát triển ngành chăn nuôi này, một trong những vấn đề quyết định là có con giống năng suất và chất lương cao, mà cụ thể ở đây chính là giống bò sữa Holstein Friesian (HF).

Xuất phát từ mục tiêu tạo ra con giống bò HF có năng suất và chất lượng cao, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên”, đề tài nằm trong khuôn khổ Chương trình Tây Nguyên 3, do TS. Lê Thị Châu làm chủ nhiệm.

TS. Lê Thị Châu cho rằng: “Nếu chỉ cấy phôi từ các bò HF cao sản sang bò HF thuần thôi thì nhiệm vụ cải tạo và nâng cao giá trị của đàn bò của đề tài có thể hoàn thành được nhưng làm thế nào vừa nâng cao được năng suất của đàn bò sữa vừa nhân nhanh được đàn bò HF sinh sản. Liệu cấy chuyển phôi bò HF sang bò lai, bò vàng có giải quyết được vấn đề này không ? ”

Lợi thế so sánh của việc cấy phôi bò HF vào bò lai bò vàng là rất lớn và đặc biệt phù hợp nếu đặt vào tình trạng phát triển đàn bò sữa của nước ta trong vòng từ nay đến 10-20 năm tới vì: Không dùng bò HF làm bò nhận phôi, do vậy các bò HF này có thể vẫn được dẫn tinh bò HF cao sản để tạo ra bê HF tốt; Dùng bò lai ze-bu, bò vàng địa phương làm bò nhận phôi giảm được chi phí đầu vào cho bò nhận phôi (bò cái sinh sản lai ze-bu tốt có giá 12-15 triệu đồng, trong khi đó bò cái sinh sản HF giá từ 50-60 triệu đồng); Chi phí chăn nuôi (mức duy trì) của bò lai ze-bu, bò vàng địa phương thấp hơn nhiều so với bò HF; Dùng bò lai ze-bu làm mẹ nhận phôi tiết kiệm được 70-100% số sữa nuôi bê (một bê HF yêu cầu khoảng 700-750 kg sữa giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi) vì bê HF bú trực tiếp bò mẹ (bò lai ze-bu, bò vàng địa phương hiện nay vẫn chưa khai thác sữa); Do được thụ hưởng môi trường miễn dịch thụ động trong tử cung của bò mẹ lai ze-bu trong suốt thời kỳ mang thai và bú sữa mẹ, bê HF sinh ra có tính thích nghi, tính chống bệnh cao; Do giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí thức ăn cũng như giảm đầu tư kỹ thuật nuôi bê giai đoạn đầu mà các hộ chăn nuôi có thể có được con giống bò HF cao sản giá thành thấp.

Để giả quyết được vấn đề nêu trên các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (Viện Hàn lâm KH&CN VN) đã tiến hành gây siêu bài noãn bò HF cao sản và khai thác phôi từ những bò cao sản này. Các phôi này được cấy chuyển trực tiếp vào các bò lai ze-bu, bò vàng được gây động dục đồng pha, hoặc được bảo quản đông lạnh để cấy phôi sau đó vào thời điểm thích hợp.

Kết quả thử nghiệm đã cho những thành công bước đầu rất khả quan. Ngày 14 và 18/7/2013, tại Công ty sữa Dalatmilk, hai con bê giống sữa thuần chủng HF nhờ kỹ thuật cấy chuyển phôi tươi từ bò HF sang bò lai ze-bu đã ra đời. Cả hai bê này được sinh ra khỏe mạnh có trọng lượng sơ sinh là 38 và 42kg. (Hình 1).

Ngày 22/7/2013 đoàn công tác của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ban chủ nhiệm chương trình Tây Nguyên 3 có chuyến làm việc tại Lâm Đồng đã đến kiểm tra tiến độ của đề tài. Chủ tịch Châu Văn Minh và các thành viên trong đoàn đã động viên và chúc mừng những thành công bước đầu của đề tài.

Hình 3. Chủ tịch Viện Hàn Lâm KH&CN VN kiểm tra tiến độ của đề tài

Thành công này sẽ tạo tiền đề cho việc đưa ra mô hình phát triển đàn bò sữa cao sản bằng cách cấy chuyển phôi từ bò HF kỷ lục sang bò lai và bò vàng địa phương tại Tây Nguyên. Hướng đi mới triển vọng  này còn có thể ứng dụng tại các địa phương khác có điều kiện chăn nuôi bò sữa tương tự. Tương tự như thế, kỹ thuật cấy chuyển phôi này hoàn toàn có khả năng áp dụng để phát triển nhanh các giống bò thịt chất lượng khác.

Kết quả cụ thể trước mắt chính là đưa ngay việc cấy phôi bò HF cao sản áp dụng trực tiếp cho đàn bò lai, bò vàng của cơ sở chăn nuôi bò vệ tinh của các công ty bò sữa, nhân nhanh và giảm giá thành tạo bê HF, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương đang chăn nuôi bò. Chắc chắn việc ứng dụng thành công công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên sẽ góp phần tích cực vào việc hạ giá thành nguồn nguyên liệu sữa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập, giảm chi phí cho người nuôi bò cũng như tạo thêm công việc làm cho người dân Tây Nguyên.


Xử lý tin: Quỳnh Trang

Nguồn: Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác