Người tiêu dùng sữa
Thông tin gây choáng: Hơn 90% mặt hàng sữa Ba Vì bị làm giả
Ông Lê Hoàng Vinh cho biết, công ty Cổ phần Sữa Ba Vì hiện có khoảng 13 mặt hàng. Trong đó, hơn 90% sản phẩm bao gồm: Bánh sữa, sữa tươi, sữa chua, sữa dê… bị làm giả. Sản phẩm bị làm giả nhiều nhất là bánh sữa Ba Vì (chiếm tới 70%), tiếp đến sữa dê (chiếm 50%)…
“Các cơ sở sản xuất trái phép họ lấy những cái tên na ná chúng tôi như: Công ty CP Sữa tươi Ba Vì, Công ty CP Sản xuất Bánh sữa Ba Vì, Công ty CP Bánh sữa Ba Vì… để đánh lừa người tiêu dùng. Điều đáng nói là những sản phẩm này kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh, có hàm lượng Ecoli cao…” – ông Lê Hoàng Vinh bức xúc.
Thông tin này được đưa ra sáng nay, trong Họp báo Triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam thành phố Hà Nội 2014 khiến nhiều người không khỏi choáng váng. Bởi từ lâu, sữa và các sản phẩm từ sữa Ba Vì là một trong mặt hàng chủ lực cần phát triển của thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Việt Hùng (Phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội) cho hay, hàng giả là một trong những vấn nạn lớn của nền kinh tế. Vì vậy, tổ chức hội chợ là một cơ hội để người tiêu dùng có cơ hội phân biệt hàng giả, hàng thật một cách chính xác hơn.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, các hội chợ hiện nay tổ chức nhiều nhưng thiếu bản sắc, đặc trưng nổi bật nên các doanh nghiệp cũng bớt hào hứng tham gia, người dân thì hoang mang khi đến hội chợ vì giá cả trên giời, vào hội chợ như mua hàng xén…
Tại Hội chợ hàng Việt năm trước thiếu các sản phẩm làng nghề đặc trưng của Hà Nội như: Giày dép, chăn ga gối đệm, khảm trai, giò chả, bánh giày… Ông Hùng đề xuất Hội chợ hàng Việt Nam năm nay phải có một buổi chuyên giới thiệu các món ẩm thực của Thủ đô.
“Người tiêu dùng đã có xu hướng sử dụng các sản phẩm Việt nhiều hơn. Nhất là đối với các sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền. Vì vậy, trong các hội chợ này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội giới thiệu sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao của mình đến với người tiêu dùng. Đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp nghiên cứu được tâm lý người tiêu dùng, hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, nhằm góp phần phát triển mục tiêu kinh tế của thành phố Hà Nội”- Bà Trần Thị Phương Lan (PGĐ Sở Công thương Hà Nội) nói.