Người tiêu dùng sữa
Sữa bột bán kí là sữa trộn đường ăn?
Ngày 20-10, tổng giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối sữa bột cho trẻ em có trụ sở ở TP.HCM cho rằng việc các phụ huynh cho con em ăn loại sữa bột giá rẻ như bèo, bán dạng ký như vậy quá nguy hiểm. Ông cho rằng người tiêu dùng mua sản phẩm này đã đánh cược rủi ro sức khỏe của trẻ sử dụng. Một sản phẩm sữa không phải cứ cho nhiều chất béo, nhiều đường làm trẻ tăng cân vù vù là sản phẩm tốt. Hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non yếu nên các thành phần trong sữa phải phù hợp. Đó là lý do vì sao ở một loại sản phẩm sữa bột, các hãng sữa luôn phân ra từng số theo tháng tuổi của trẻ. Mỗi số có thành phần dinh dưỡng khác nhau phù hợp thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ ở thời kỳ đó. “Một sản phẩm dinh dưỡng hoàn hảo phải có sự hài hòa, cân đối giữa các thành phần bởi chất này bổ trợ cho chất kia” - vị tổng giám đốc nhấn mạnh.
Theo ông này, sữa ký “bốn không” dù rẻ đến đâu người tiêu dùng cũng không nên mua. Một số người làm trong ngành sữa cho rằng các loại sữa bột ký bán ở chợ có thể là loại bột sữa nguyên kem, bột sữa nguyên liệu dùng để sản xuất sữa nhưng người bán trộn thêm đường làm tăng vị ngọt để trẻ ăn dễ tăng cân, “đánh lừa” một số người.
Thực tế, điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi không phải chỉ các công ty sản xuất sữa mới nhập khẩu bột sữa nguyên liệu. Rất nhiều công ty không sản xuất sữa vẫn nhập khẩu sữa bột nguyên liệu đóng trong các bao trọng lượng khoảng 25kg, từ Đức, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc... về VN bán cho bất kỳ ai có nhu cầu. Giá rẻ nhất là hàng từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Được nhập khẩu vào VN, thuế nhập khẩu chỉ 3% vì ở dạng nguyên liệu sản xuất, trong khi hiện nay cơ quan chức năng không kiểm soát sau khi được thông quan nhà nhập khẩu sử dụng vào mục đích gì, bán cho những đối tượng nào.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, nhiều loại sữa bột nguyên liệu nhập khẩu có giá rất rẻ. Nếu tính cả thuế nhập khẩu, sữa bột nguyên kem nhập khẩu từ Hàn Quốc về VN (đã gồm chi phí vận chuyển) chỉ khoảng 25.000 đồng/kg. Đầu tháng 1 và đầu tháng 2-2013, đã có doanh nghiệp nhập về qua cảng ở TP.HCM hai lô hàng tổng cộng 64 tấn sữa bột chỉ với mức giá trên. Các loại sữa nhập từ Đức, Mỹ có giá cao hơn, khoảng 65.000-75.000 đồng/kg.
Nên mua sữa nội có nhãn hiệu
* Bác sĩ Hoàng Lê Phúc (trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):
Chỉ uống sữa ký, hệ lụy sẽ rất lớn
Trước đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã điều trị cho một trẻ 2 tháng tuổi uống sữa ký. Bé này mới sinh ra không được may mắn có sữa mẹ, và gia đình cũng không có tiền nên cho trẻ uống sữa ký. Sữa ký đó có giá 14.000 đồng/kg. Đó có thể là sữa nguyên kem hoặc sữa tách béo, nguồn đạm và năng lượng không chuẩn cho trẻ 2 tháng tuổi làm trẻ bị thiếu đạm, thiếu năng lượng gây ra tình trạng suy dinh dưỡng thể phù. Vì vậy nếu sữa không đủ khoáng chất, ví dụ không đủ sắt, nặng thì sẽ gây thiếu máu (vì sắt tạo hồng cầu), giảm học lực, mất tập trung... Nếu sữa cung cấp vitamin không đủ, ví dụ vitamin A thì gây bệnh về mắt, vitamin D thì còi xương...
Loại sữa tốt nhất cho trẻ là sữa mẹ. Tuy nhiên, khi sinh ra có những trẻ không may mắn mất mẹ, hoặc vì lý do gì đó không được bú sữa mẹ thì người ta phải dùng một loại sữa để thay thế. Đó là sữa được chế biến dựa vào công thức chuẩn cho giống với sữa mẹ nhất gọi là sữa công thức (infant formula). Sữa công thức được làm dựa trên các chuẩn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các hiệp hội dinh dưỡng thế giới về dinh dưỡng, gồm những chất dinh dưỡng chính như đạm, đường, béo cũng như vitamin, khoáng chất với hàm lượng cụ thể, rõ ràng. Tất cả công ty muốn kinh doanh sản phẩm thay thế sữa mẹ phải đảm bảo chuẩn khuyến nghị và phải ghi rõ thành phần đạm, đường, vitamin, nguồn gốc... trên hộp sữa. Bảng thành phần đó phải ghi rõ ra để người tiêu dùng so với bảng chuẩn. Đặc biệt dưới 6 tháng tuổi, trẻ chỉ có một nguồn dinh dưỡng duy nhất từ sữa nên thành phần dinh dưỡng từ nguồn sữa thay thế sữa mẹ lại càng phải nghiêm ngặt. Nhưng tới bây giờ, chưa có một công ty nào làm được sữa công thức giống hoàn toàn sữa mẹ.
Việc nói lấy một muỗng sữa ký này pha với hai muỗng sữa công thức cho giống với sữa mẹ thì rất khó có khả năng giống chuẩn, vì điểm quan trọng là giống bao nhiêu thành phần, giống ở mức độ nào thì mới chấp nhận được theo WHO và các hiệp hội dinh dưỡng thế giới.
* Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh (phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):
Trans-fat về lâu dài có thể gây ung thư
Không nên dùng các loại sữa không nhãn mác như sữa ký được đóng gói theo từng bao nilông như báo Tuổi Trẻ phản ánh. Không nhãn mác thì không biết họ đã trộn những thứ gì vào, hạn sử dụng cũng không biết luôn và có thể nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì sữa là môi trường nhiễm khuẩn nhiều nhất. Không có loại sữa nào là sữa tăng cân, sữa tăng chiều cao. Nếu sữa đúng nghĩa ví dụ như sữa tươi sẽ có đầy đủ những thành phần như canxi, vitamin, khoáng chất..., đủ dinh dưỡng nên cộng với việc ăn uống, thể dục thể thao, trẻ sẽ phát triển tốt, sẽ hỗ trợ tốt nhất sự phát triển chiều cao, cân nặng. Tốt nhất sữa không có thành phần thì không sử dụng. Bởi nếu thành phần không đúng thì trẻ không lớn hoặc có hại cho các cơ quan tiêu hóa còn non yếu của trẻ như thận, tim và nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Trans-fat có hại cho trẻ, không phải là chất béo thiết yếu đối với trẻ nhỏ và ngay cả người lớn. Chất béo này dễ gây bệnh tim mạch, về lâu dài có thể gây ung thư. Dạng chất béo này thường sinh ra trong quá trình chế biến công nghiệp ở nhiệt độ quá cao. Chất béo dành cho trẻ phải là những chất béo thiết yếu như omega 3... Trẻ nhỏ uống những loại sữa dư đường (sữa ngọt) có thể trẻ vẫn tăng cân nhưng tăng cân với dạng béo phì chứ không phải tăng cân tốt cho sức khỏe của trẻ. Dư đường còn có thể làm trẻ bị tiêu chảy. Nếu uống nhiều sữa dư đường, trẻ nhỏ bị ảnh hưởng đến tiêu hóa còn trẻ lớn hơn có những nguy cơ về lâu dài như béo phì, đái tháo đường...
Những bà mẹ có kinh tế khó khăn càng phải cho con bú sữa mẹ. Nếu sữa mẹ ít hoặc không có thì nên dành dụm tiền để mua những loại sữa trong nước sản xuất (sữa nội) có bao bì, nhãn mác và của những cơ sở sản xuất uy tín.
MỸ DUNG