Người tiêu dùng sữa
Ngày hội uống sữa học đường tỉnh Bắc Ninh năm học 2014- 2015
Chương trình “Sữa học đường” được triển khai thí điểm tới hơn 11 nghìn trẻ ở 24 Trường Mầm mon trên địa bàn tỉnh trong năm học 2013- 2014. Sau một năm thực hiện chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ có nhiều chuyển biến rõ nét, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ cả thể cân nặng và thấp còi đều giảm, sức khỏe của trẻ phát triển tốt, trẻ biểu hiện nhanh nhẹn, ít đau ốm, tỷ lệ trẻ ra lớp đều, ăn bán trú đông hơn…Từ năm học 2014- 2015, Chương trình “Sữa học đường” sẽ được triển khai đại trà ở tất cả các Trường Mầm non công lập và ngoài công lập, với gần 70 nghìn cháu được thụ hưởng, nguồn kinh phí thực hiện gần 54 tỷ đồng, trong đó 50% từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Túy, Bí thư Tỉnh ủy phát động Chương trình uống “Sữa học đường” năm học 2014- 2015 tại trường Mầm non Nội Duệ.
Phát biểu tại Ngày hội uống sữa học đường năm nay, đồng chí Trần Văn Túy, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Ngày “Hội uống sữa” của các cháu là hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với sự nghiệp trồng người của tỉnh. Để chương trình đạt kết quả tốt trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu Ban Chỉ đạo Chương trình sữa học đường của tỉnh cần làm tốt một số nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, nêu bật được mục đích, ý nghĩa nhân văn, khoa học của chương trình, từ đó xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đơn vị; kiện toàn Ban chỉ đạo, có chính sách phù hợp để động viên giáo viên; thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cho trẻ uống sữa theo quy trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối; thường xuyên kiểm tra, giám sát các khâu thực hiện; tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa để triển khai thành công chương trình “Sữa học đường” có hiệu quả…
Các cháu trường Mầm non Nội Duệ uống sữa tại Ngày hội uống sữa trong các trường Mần non tỉnh năm học 2014- 2015.
Việc triển khai Chương trình “Sữa học đường” là bước đột phá mới trong chiến lược nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ em của tỉnh, đồng thời tạo được dư luận tốt trong xã hội, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và các bậc phụ huynh học sinh, nhất là ở các vùng nông thôn.
Đào Khoa- Đức Quý