Các bệnh thường gập ở bò sữa và cách điều trị

Nhận diện nguyên nhân, biện pháp phòng và trị bệnh viêm vú bò

Binh pháp Tôn Tử có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Nguyên tắc này có thể áp dụng trong phòng ngừa và điều trị bệnh viêm vú bò.

Nguyên nhân gây viêm vú bò

Viêm vú là bệnh gây tổn thất nhiều nhất và là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người chăn nuôi bò sữa. Viêm vú là bệnh nhiễm trùng bầu vú, nguyên nhân thường do vi khuẩn, đôi khi có thể do nấm men, nấm mốc. Vi khuẩn gây bệnh có mặt khắp mọi nơi và để gây nên bệnh, cần có sự “tiếp tay” của con người. Để bò gầy yếu, không cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bò trong giai đoạn lấy sữa, chuồng trại không được vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc bò không đúng cách dễ làm cho bầu vú bò bị tổn thương. Vắt sữa không đúng kỹ thuật, không sát trùng lỗ núm vú sau mỗi lần vắt sữa, người vắt sữa không áp dụng đúng các biện pháp vệ sinh cũng góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra bệnh viêm vú.

Viêm vú bò có thể xuất phát từ cách điều trị không phù hợp. Thuốc dùng không đúng, phương pháp điều trị không hiệu quả có thể làm bệnh nhẹ thành nặng hoặc bệnh chuyển từ thể cấp sang thể mãn tính khiến cho việc điều trị kéo dài và chi phí tăng cao. Ngoài ra nếu thiếu ý thức vệ sinh thú y, cán bộ thú y có thể mang mầm bệnh từ thú bệnh sang thú lành mà không biết. Ở nước ta, việc “tự làm bác sĩ” và dễ dàng mua thuốc thú y (kháng sinh) từ các cửa hàng thuốc có mặt khắp mọi nơi và việc điều trị bằng kháng sinh không đúng phương pháp cũng là một nguyên nhân làm bệnh viêm vú bò ngày càng… khó chữa hơn do sự lờn (kháng) thuốc của các vi khuẩn gây bệnh viêm vú.

Biện pháp phòng chống và điều trị bệnh hữu hiệu

Với căn bệnh này, người nuôi bò nên thường xuyên kiểm tra xem bò có mắc bệnh không cho dù bò không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi bò có triệu chứng lâm sàng, việc phát hiện bệnh và a-lô cho bác sĩ thú y là việc dễ như… ăn cơm sườn. Tuy nhiên, để phát hiện bò bệnh không có triệu chứng (viêm vú tiềm ẩn), cần áp dụng phương pháp CMT… tại gia định kỳ hàng tháng. Phương pháp kiểm tra này khá đơn giản và người chăn nuôi nào cũng có thể làm được. Ngoài ra, người nuôi có thể áp dụng các biện pháp “thực hành chăn nuôi bò sữa tốt”: chăm sóc tốt, thức ăn tốt, kỹ thuật vắt sữa và vệ sinh tốt và chế độ loại thải bò hợp lý là nền tảng để hạn chế bò viêm vú.

Trong trường hợp bò đã bị bệnh, người nuôi nên loại thải “chất độc” ra khỏi cơ thể bằng cách vắt bỏ sữa viêm nhiễm nhiều lần trong ngày. Sữa bò bị viêm vú không những là chất độc cho người tiêu dùng mà còn là chất độc đối với bò mẹ. Lượng sữa còn sót trong bầu vú làm giảm tác dụng của thuốc và là nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật phát triển.

Quan trọng nhất trong điều trị bò viêm vú là sử dụng kháng sinh ĐÚNG, ĐỦ và HỢP LÝ. Chữa bệnh viêm vú bò cần áp dụng chiến thuật “nội công, ngoại kích”, nghĩa là, vừa bơm kháng sinh vào bầu vú thông qua lỗ núm vú để tấn công trực diện, đồng thời tiêm kháng sinh vào bắp thịt, có tác dụng toàn thân. Kháng sinh sẽ theo đường máu, đến tế bào nang tuyến để tiêu diệt vi khuẩn tại chỗ và ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập sâu hơn gây bệnh cấp ác tính toàn thân. Điều trị bằng kháng sinh là điều bắt buộc khi bò viêm vú, tuy nhiên, cần làm kháng sinh đồ để biết vi khuẩn gây bệnh nhạy cảm với loại kháng sinh nào thì sử dụng kháng sinh đó.

Khuynh hướng của các "thú y" nhà vườn (nông dân) là sử dụng loại kháng sinh đa kháng khuẩn, liều cao để “thà giết lầm còn hơn bỏ sót…”. Cách điều trị này dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn bị “lờn” thuốc, dần dần loại kháng sinh này sẽ không còn tác dụng điều trị nữa. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm vú cần được chính bác sĩ thú y thực hiện để mang lại hiệu quả cao và ít tốn kém nhất.

(Theo tài liệu tập huấn chăn nuôi bò sữa của FrieslandCampina VN)

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác