Các bệnh thường gập ở bò sữa và cách điều trị
Bệnh sán lá gan bò & cách phòng trị
Vòng đời của sán lá gan đi qua 2 loại ký chủ là động vật máu nóng như trâu, bò, dê, cừu, người... và ký chủ trung gian là các loài ốc nước ngọt (Lymnaea). Sán lá gan trưởng thành sống trong ống dẫn mật trâu, bò, dê, cừu,..và đẻ trứng ở đó. Các trứng theo ống dẫn mật đến ruột, theo phân ra ngoài, gặp điều kiện thuận lợi nở thành ấu trùng có lông bơi trong nước và xâm nhập ký sinh trong loài ốc Lymnaea (một loại ốc vặn nhỏ thường sống ở ao đầm nước ngọt). Trong cơ thể ốc, 1 ấu trùng lông sinh sản vô tính thành khoảng 600 ấu trùng đuôi. Sau đó ấu trùng đuôi chui ra khỏi cơ thể ốc, bám vào các cây cỏ mọc ở dưới nước và hình thành kén bao bọc bên ngoài. Khi trâu bò ăn phải cây cỏ có dính kén sán sẽ mắc bệnh. Khi vào cơ thể trâu bò, màng ngoài của kén tan rã, ấu trùng được giải phóng và di chuyển từ ruột về gan, tại đây ấu trùng ăn mô gan để phát triển gây xuất huyết gan. Khi trưởng thành sán lá gan chui vào ống dẫn mật đẻ trứng và tiếp tục vòng đời. Từ lúc trâu bò ăn vào ấu trùng cảm nhiễm đến khi sán lá gan trưởng thành mất khoảng 10-12 tuần.
Trong quá trình di chuyển và phát triển trong cơ thể sán lá gan gây tắc ống dẫn mật, tổn thương niêm mạc ruột non, đưa đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và ống dẫn mật; gây tổn thương gan, viêm gan nhiễm khuẩn, viêm túi mật. Ngoài việc gây tổn thương gan, sán trưởng thành lấy chất dinh dưỡng từ gan, mật đồng thời tiết ra độc tố gây rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, bệnh nặng có thể gây chết con vật.
Các biểu hiện khi trâu bò mắc bệnh sán lá gan thể mãn tính có thể thấy là gia súc gầy còm, suy nhược, thiếu máu, tiêu chảy kéo dài, đôi khi táo bón, mất dần khả năng sinh sản và làm việc, trâu bò chết do suy kiệt. Bệnh ở thể cấp tính thường xảy ra ở gia súc non. Bê nghé bỏ ăn, mệt mỏi, lười di chuyển, chướng hơi dạ cỏ, sau đó tiêu chảy dữ dội - phân lỏng xám, có mùi tanh. Chỉ vài ngày sau bê nghé nằm bệt và chết trong tình trạng mất nước, rối loạn điện giải và kiệt sức. Bệnh nặng hơn khi bê nghé nhiễm thứ phát các vi khuẩn gây bệnh có sẵn trong đường ruột như: Salmonella, E.coli, Proteus,... Đôi khi trâu bò chết cấp tính mà không biểu hiệu triệu chứng gì bên ngoài.
Điều trị bệnh:
Có 2 loại thuốc điều trị bệnh Sán lá gan hữu hiệu là Vime-Fasci và Vime-Ono. Tuy nhiên ta nên sử dụng luân phiên hàng năm để tránh hiện tượng lờn thuốc.
Vime-Fasci: Tiêm lần đầu 1ml/30-35kg thể trọng trâu bò hoặc 1ml/15-20kg thể trọng dê cừu, sau đó 3 tuần tiêm lập lại lần 2 để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn sán lá non và sán lá trưởng thành còn sống sót.
Vime-Ono cho uống 1g/15-20kg thể trọng trâu bò hoặc 1g/10-15kg thể trọng dê cừu, sau đó 4-6 tuần lập lại lần 2 để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn sán lá. Sau khi cấp thuốc nên cho trâu, bò nghỉ ngơi, ăn uống tốt, tránh ra ngoài nắng.
Phòng bệnh:
Định kỳ tẩy sán lá gan 2-3 lần/ năm bằng Vime-Fasci , 6 tháng tiêm 1 lần hoặc Vime-Ono 4 tháng cho uống 1 lần. Bò sữa nên tẩy trong giai đoạn khô sữa. Trâu, bò cày kéo nên tẩy vào giai đoạn nghỉ làm việc, có thể xổ vào tháng 4 hoặc tháng 8 hàng năm.
Diệt trứng sán lá gan bằng cách ủ phân. Diệt ký chủ trung gian bằng CuSO4 nồng độ 3-4% phun vào cây, cỏ thủy sinh, cắt đứt đường lan truyền bệnh sán lá gan.
Chăm sóc và nuôi dưỡng tốt gia súc để đảm bảo sức khỏe và nâng cao sức đề kháng chống đỡ với bệnh sán lá gan cũng như các bệnh giun sán khác.