Các bệnh thường gập ở bò sữa và cách điều trị
Bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò
Nguyên nhân
Bệnh này do thức ăn trong dạ cỏ trâu bò lên men sinh hơi không thoát được ra ngoài. Bệnh xảy ra khi trâu bò ăn quá nhiều thức ăn tinh, thức ăn có chứa nấm mốc dễ lên men và thức ăn xanh có chứa nhiều nước như thân cây ngô non, cỏ non buổi sớm còn ướt sương... Nhất là khi trâu bò ăn phải nhiều thức ăn có chứa độc tố, như lá ngón, lá sắn, sắn cỏ tươi, làm cho dạ cỏ bị tê liệt, giảm nhu động ruột. Trong trường hợp trâu bò phải cày kéo quá sức, cơ thể chúng suy nhược, bị mắc một số bệnh truyền nhiễm gây sốt cao cũng gây ra bệnh chướng hơi dạ cỏ. Riêng bệnh xảy ra với nghé, bê là do sữa không tiêu, nhiễm giun đũa.
Bệnh dễ nhận thấy với các biểu hiện: dạ cỏ phình ra, con vật bồn chồn, đi lại khó khăn, thè lưỡi thở. Lấy ngón tay gõ vào phần dạ cỏ thấy phập phồng đầy hơi. Tuy nhiên cần phân biệt bệnh chướng hơi dạ cỏ với hiện tượng bội thực. Nếu trâu bò bội thực, vùng bụng trái cứng nhắc, không đầy hơi.
Không cho trâu bò ăn thức ăn lên men, chứa nấm mốc, không thả trâu bò quá sớm. Đặc biệt, không cho trâu bò ăn quá nhiều sắn tươi và làm việc quá sức. Đối với bê, nghé, cần tẩy phòng giun đũa sau khi sinh được 18-25 ngày. Khi phát bệnh, nếu không chữa nhanh trâu bò sẽ chết.
Khi xử lý, cần tiến hành đồng thời một số việc sau: thoát hơi dạ cỏ cho trâu bò càng nhanh càng tốt bằng cách để con vật đứng đầu cao hơn thân, lấy hết phân trong hậu môn, dùng tay nắm lưỡi kéo theo nhịp thở để kích thích ợ hơi, đốt 2 quả bồ kết tán nhỏ rồi thổi vào lỗ mũi làm cho con vật hắt hơi. Kích thích co bóp dạ cỏ bằng cách dùng gừng, tỏi giã nhỏ trộn với rượu bọc vải xoa bóp mạnh vùng dạ cỏ. Để hạn chế sinh hơi, cũng có thể lấy 50g tỏi giã nhỏ trộn với 200ml rượu hòa vào 1 lít nước cho uống (đối với bê, nghé thì dùng 1/5 liều trên). Khi bệnh cấp tính sinh hơi nhiều chướng bụng nhanh thì khẩn trương mời cán bộ thú y đến xử lý.